Công tố viên của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 27/11 cho biết ông sẽ xin trát bắt nhà lãnh đạo quân sự Myanmar Min Aung Hlaing vì tội ác chống nhân loại đối với hành vi bị cáo buộc là đàn áp người Rohingya, nhóm sắc tộc thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo.
Người phát ngôn của tập đoàn quân sự cầm quyền Myanmar đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Một triệu người Rohingya đã bỏ chạy, hầu hết sang nước láng giềng Bangladesh, để trốn thoát cuộc tấn công quân sự của Myanmar được phát động hồi tháng 8 năm 2017, chiến dịch mà các nhà điều tra Liên Hợp Quốc đã mô tả là ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc.
Các binh sĩ và cảnh sát Myanmar bị các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cáo buộc đã san bằng hàng trăm ngôi làng ở bang miền tây xa xôi Rakhine, tra tấn cư dân khi họ chạy trốn, giết người hàng loạt và hãm hiếp tập thể.
Myanmar đã bác bỏ cáo buộc và nói rằng các lực lượng an ninh của họ đang tiến hành các chiến dịch hợp pháp trước các nhóm chiến binh tấn công đồn cảnh sát.
Hầu hết dân tị nạn Rohingya hiện sống trong cảnh bẩn thỉu trong các trại ở Bangladesh.
“Ông ấy chịu trách nhiệm chỉ đạo cuộc diệt chủng chống lại người Rohingya vô tội,” Mohammed Zubair, nhà nghiên cứu Rohingya sống trong một trại tị nạn Bangladesh, cho biết. “Dưới chỉ đạo của ông ấy, quân đội đã giết chết hàng ngàn người Rohingya và khiến vô số phụ nữ và trẻ em gái Rohingya phải chịu những hành vị bạo lực tình dục tàn bạo.”
Việc tìm kiếm trát bắt ‘người giữ vị trí quân sự cao nhất ở Myanmar gửi thông điệp mạnh mẽ tới các thủ phạm rằng không ai đứng trên luật pháp’, ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hợp Quốc về Myanmar, cơ quan hỗ trợ cuộc điều tra của ICC, cho biết.
Giờ đây, một hội đồng gồm ba thẩm phán sẽ quyết định xem họ có đồng ý là có ‘cơ sở hợp lý’ để tin rằng ông Min Aung Hlaing phải chịu trách nhiệm hình sự về việc trục xuất và đàn áp người Rohingya ở Myanmar và Bangladesh.
Không có khung thời gian quy định để họ ra quyết định nhưng để phán quyết về trát bắt thường mất khoảng ba tháng.
Văn phòng công tố viên cho biết họ đang xin trát bắt sau các cuộc điều tra mở rộng, độc lập và bất thiên vị. Sẽ có thêm nhiều hồ sơ xin trát bắt liên quan đến Myanmar, văn phòng này cho biết thêm.
Myanmar không phải là thành viên của ICC, tổ chức dựa trên hiệp ước, nhưng trong các phán quyết năm 2018 và 2019, các thẩm phán cho biết tòa án có thẩm quyền đối với các tội phạm xuyên biên giới xảy ra một phần ở nước láng giềng Bangladesh, thành viên ICC, và rằng các công tố viên có thể mở một cuộc điều tra chính thức.
“Đây là lần xin lệnh bắt đầu tiên đối với một quan chức chính phủ cấp cao Myanmar mà văn phòng của tôi đang đệ trình. Sẽ có thêm nhiều lần sau nữa,” thông báo của công tố viên ICC cho biết.
ICC đã điều tra tội ác chống lại người Rohingya trong gần 5 năm. Các cuộc điều tra của họ không chỉ bị cản trở không chỉ vì họ không thể tiếp cận đất nước này mà còn vì Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo hồi năm 2021, làm dấy lên phong trào kháng chiến vốn bắt đầu bằng các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó tiến triển thành cuộc nổi dậy vũ trang trên nhiều mặt trận.
Các nhà điều tra đã dựa trên lời khai của nhân chứng, bao gồm từ những người trong cuộc, bằng chứng tài liệu và các tài liệu khoa học, hình ảnh và video được xác thực.
“Quyết định của công tố viên ICC xin trát bắt Tướng Min Aung Hlaing được đưa ra trong bối cảnh có thêm những hành động tàn bạo đối với thường dân Rohingya vốn lặp lại những gì mà họ phải gánh chịu 7 năm trước,” bà Maria Elena Vignoli, cố vấn công lý quốc tế cao cấp tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.
“Hành động của ICC là bước quan trọng hướng tới phá vỡ chu kỳ đàn áp và miễn trừ trách nhiệm vốn từ lâu đã là yếu tố chính thúc đẩy các vi phạm hàng loạt của quân đội Myanmar.”