Công nhân Bangladesh đi làm trở lại sau vụ sập xưởng may

Thân nhân đau buồn chờ đợi trong khi công tác tìm kiếm nạn nhân tiếp tục, 2/5/13

Hàng chục ngàn công nhân đã trở lại các xưởng dệt may ở thủ đô Bangladesh 1 tuần lễ sau khi xảy ra vụ sập một khu nhà máy làm hơn 420 người thiệt mạng.

8 ngày sau khi ngưng làm việc, công nhân dệt may Bangladesh, xương sống của công nghiệp dệt may trị giá 20 tỷ đôla của nước này, đã trở lại làm việc vào ngày hôm nay.

Sự kiện này diễn ra vào lúc nhân viên cứu hộ tiếp tục lôi các thi thể ra khỏi đống đổ nát của một khu nhà máy bị sập hôm 24 tháng 4. Hơn 2.000 người đã được giải cứu và khoảng 150 người còn mất tích.

Ngay trong lúc người Bangladesh chôn những người tử nạn, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà Sản xuất và Xuầt khẩu Dệt may Bangladesh, ông Shahidullah Azim, nói với đài VOA rằng tổ chức của ông đang hợp tác với thẩm quyền xây dựng và tiến hành mọi biện pháp để ngăn ngừa những thảm kịch như thế trong tương lai.

Ông Azim cho biết tổ chức của ông có một toán hỗn hợp sẽ làm công tác kiểm tra các phân xưởng khả nghi có các vấn đề vết nứt hay bất cứ vấn đề nào khác. Nếu nhận được thông tin nào về các vấn đề hạ tầng cơ sở khả nghi, sẽ có một toán công tác và ngay lập tức sẽ có hành động và tiến hành báo cáo.

Tuy nhiên, các công nhân và giới tranh đấu cho ngành dệt may nói họ đã nghe thấy những lời hứa hẹn như thế từ trước rồi. Mới cách đây 6 thàng, hơn 100 người đã tử nạn trong một vụ hỏa hoạn tại một xưởng dệt may ở Dhaka, và nhiều công nhân đã nhẩy qua cửa sổ để tránh những ngọn lửa.

Ông Alonzo Suson thuộc Trung Tâm Ðoàn kết Công nhân Bangladesh nói ông không tin là các điều kiện làm việc sẽ thay đổi tại một nước mà đa số công nhân có thu nhập chưa đầy 50 đôla một tháng.

Ông nói một công nhân dệt may 16 tuổi bị cụt tay sau vụ sập nhà đã nói với ông rằng cô ấy không bị buộc phải đi làm vào cái ngày nghiệt ngã ấy, nhưng đã được báo cho biết là cô sẽ mất một tuần lương nếu không đến nhà máy.

Ông Suson nói lương bổng vốn đã thấp tới mức chỉ đủ để sống còn. Do đó, các công nhân dệt may phải đi làm. Họ biết rằng một số phân xưởng họ đang làm việc không an toàn nhưng họ cũng cần phải sinh tồn, cái vòng lẩn quẩn là như thế.

Ông Suson cho biết công nghiệp dệt may của Bangladesh cần có sự minh bạch hơn, có thêm các thanh tra và các nguyên tắc về xây dựng quốc gia. Ông nói chỉ có từ 25 đến 30 phân xưởng là có công đoàn và đa số vừa được thành lập trong 6 tháng mới đây.

Giới tranh đấu nói trách nhiệm cũng rơi vào những nhà bán lẻ toàn cầu và người mua sắm tiêu thụ quần áo được sản xuất trong các điều kiện làm việc như thế.

Trong khi đó, chủ khu nhà máy bị sập vẫn còn bị cảnh sát câu lưu ở Dhaka trong khi người biểu tình đòi có bản án tử hình trong vụ này.

Sập nhà cao tầng ở Bangladesh, hơn 350 người thiệt mạng