Con đường hòa bình ở Philippines vẫn còn dài

  • Simone Oredain

바레인 서부 마나마에서 반정부 시위대가 경찰의 최루탄에 맞서 돌을 던지고 있다.

Dân chúng ở vùng tây nam Philippines đang theo dõi sát vào lúc chính phủ và nhóm nổi dậy Hồi giáo lớn nhất nước đang chung quyết các chi tiết của một hòa ước. Thỏa thuận được chờ đợi đã lâu đến sau khi cuộc nổi dậy đã kéo dài 40 năm ở miền nam nghèo khó và khiến hơn 120.000 người thiệt mạng. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật sau đây.

Các tiêu chuẩn để đạt được hòa bình giữa chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đòi hỏi việc thành lập một thực thể chính trị sẽ mang tên là “Bangsamoro.” Từ này đề cập đến tất cả các sắc dân bản thổ bất kể tôn giáo trong vùng tây nam Philippines, nơi đa số người Hồi giáo ở Philippines sinh sống. Người Hồi giáo tin rằng khu vực này của đảo Mindanao là vùng đất của tổ tiên họ và đã là tâm điểm của cuộc tranh đấu đòi quyền tự quyết của họ.

Ông Abel Moya là một chuyên gia về giải quyết xung đột làm việc ở Mindanao. Ông nói nguyên danh xưng không thôi đã là lý do để lạc quan.

Ông Moya nói: “Ðây quả thực là một bước lịch sử tiến tới việc đạt được hòa bình lâu dài ở Mindanao, chắc chắn bởi vì chính phủ nay thừa nhận rằng có một sự kiện là Bangsamoro.”

Thực thể mới này đem lại cho những người bản thổ trong vùng Bangsamoro một căn cước, cho dù họ vẫn là công dân của Philippines. Tuy nhiên, ông Moya nói rằng dân chúng ở thực địa phải để ý theo dõi thực thể này sẽ hình thành như thế nào.

Theo kế hoạch, Bangsamoro sẽ thay thế Khu vực Tự trị ở đảo Mindanao Hồi giáo, còn gọi tắt là ARMM, đã được thành lập cách đây 16 năm, sau một thỏa thuận hòa bình trước đó với Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro, một nhóm Hồi giáo nhỏ hơn. Trong bài phát biểu hôm chủ nhật để thông báo hòa ước sắp hoàn thành, Tổng thống Benigno Aquino gọi Khu vực Tự trị vừa kể là một “thử nghiệm thất bại.”

Ông Aquino nói: “Nhiều người tiếp tục cảm thấy bị tách ra khỏi hệ thống. Và những người cảm thấy không có lối nào thoát sẽ tiếp tục bầy tỏ sự phản đối qua họng súng.”

Khu vực ARMM bao gồm 5 tỉnh trên bờ biển Mindanao, là một vùng nghèo khó cùng cực, và khét tiếng là hang ổ của bạo động.

Giám đốc tổ chức Cảnh báo Quốc tế, ông Francisco Lara cho rằng trong những năm đầu của ARMM, những người lãnh đạo khu vực đã bị đè nặng bởi những thách thức để tìm cách xây dựng ổn định kinh tế. Khu vực đã quay trở lại với tập tục lịch sử là để cho các gia đình có thế lực - cả Cơ đốc giáo lẫn Hồi giáo, cai trị. Theo ông Lara, giờ đây hòa ước mới này được coi như một mối đe dọa đối với họ.

Ông Lara nói: “Họ cảm thấy rằng, vào lúc thực thể chính trị này được thành lập, bộ luật cơ bản được viết ra, thì quyền lực của họ sẽ giảm thiểu. Ðó chính là nơi có lẽ sẽ nẩy sinh ra xung đột.”

Những người mưu tìm hòa bình nói rằng sự tranh chấp quyền lực này là điều được trông đợi bởi vì giới lãnh đạo địa phương có nhiều phần chắc sẽ thấy lãnh thổ của mình và ngân khoản tài trợ tương ứng của chính phủ co cụm lại. Nhưng ông Lara cho rằng đấy chỉ là một thách thức. Ông dự liệu khi cuộc nổi dậy chấm dứt, sẽ có tình trạng tranh chấp nội bộ leo thang, điều ông gọi là “bạo lực ở mặt phẳng.”

Ông Lara nói tiếp: “Vì sẽ bùng ra những cuộc tranh chấp giữa các gia đình và dòng họ, giữa những người được hưởng lợi và những người không được hưởng lợi nhờ hòa uớc, giữa những người có liên hệ và tiếp xúc với các tỉnh trưởng mới, với những người không có.”

Chính phủ nói rằng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đã yêu cầu cụ thể rằng việc chuyển tiếp qua Bangsmoro phải được hoàn tất trước năm 2016, là lúc kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino. Ðiều này có nghĩa là khu vực sẽ được xác định cụ thể qua một cuộc trưng cầu dân ý, một chính phủ chuyển tiếp đã thành hình, tất cả các cam kết chính trị đã êm xuôi và việc giải giới hoàn tất vào lúc hết 3 năm.

Giám đốc Học viện về các Thực thể Hồi giáo Al Qalam, ông Mussolini Sinsuat Lidasan nói thỏa thuận sơ bộ mở cửa cho các đầu tư nhân đạo cho các dự án phát triển. Nhưng ông cho rằng thời gian 3 năm để thiết lập hòa bình lâu dài là không đủ.

Ông Lidasan nói: “Quá nhiều tình huống có thể xảy ra dọc đường. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu trong thỏa thuận hòa bình chung quyết sẽ chỉ có một tỉnh hay ít hơn muốn tham gia vào thực thể chính trị Bangsamoro? Sự kiện này có thể là một thách thức lớn.”

Ông Lidansan nói “cái ác nằm trong những chi tiết.” Và những điều khoản như thôi không sử dụng vũ khí sẽ đề ra thêm các thách thức bởi lẽ ngay cả một sồ thành viên trong cánh vũ trang của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro vẫn cảm thấy họ cần phải tự vệ trước các phe phái ly khai.

Nhóm này đang chống đối với nhóm ly khai Chiến binh Tự do Hồi giáo Bangsamoro, là nhóm được coi như một yếu tố phá hỏng thỏa thuận này. Lại còn có Abu Sayyaf, một nhóm bạo động khét tiếng mà từ lâu đã từ bỏ mọi khát vọng lý tưởng để chọn con đường bắt cóc đòi tiền chuộc, chặt đầu và đánh bom giết người.

Ông Lara nói Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro sẽ phải chứng tỏ khả năng duy trì hòa bình và trật tự và hợp tác với chính phủ quốc gia để đặt các thành phần này trong vòng kiểm soát.

Những người mưu cầu hòa bình cho rằng sự minh bạch của cả hai bên trong suốt quá trình thương nghị và thiện chí tiếp nhận ý kiến của dân chúng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thỏa thuận là các yếu tố cấp thiết đối với thành quả của kế hoạch.