Tỷ phú Trương Mỹ Lan được cho là đã ‘nhận tội’ trong hành vi phát hành trái phiếu khống và ‘hứa đền tiền cho các nạn nhân’ trong khi ngân hàng SCB được xác định đã đào tạo hơn 2.000 nhân viên bán trái phiếu rác của bà Lan cho người dân, theo kết quả điều tra được báo chí dẫn lại.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã kết thúc điều tra giai đoạn hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan liên quan đến hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu và đã công bố kết luận điều tra. Theo đó, bà Lan bị truy tố về ba tội danh: ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, ‘Chuyển tiền trái phép qua biên giới’ và ‘Rửa tiền’.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết trong quá trình điều tra ở giai đoạn hai, bà Lan đã ‘có sự chuyển biến về nhận thức’ và đã ‘thừa nhận hành vi phạm tội của mình’, tờ Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra cho biết hôm 10/6.
Cụ thể, bà Lan ‘thừa nhận phát hành trái phiếu là sai pháp luật’ vì bà đã bán trái phiếu để lấy tiền giúp ngân hàng SCB vượt qua các khó khăn về tài chính thay vì đầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu thực tế để trả nợ trái phiếu.
Bà Lan cũng nói với cơ quan điều tra là bà ‘xin nhận trách nhiệm’ về những thiệt hại mà việc phát hành trái phiếu gây ra và hứa sẽ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bằng toàn bộ tài sản của bà và của Vạn Thịnh Phát đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn hay thu hồi, cũng theo kết luận điều tra được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Nữ tỷ phú này được xác định đã huy động 30.869 tỷ đồng của hơn 35.000 nạn nhân khắp cả nước bằng trái phiếu và hiện còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn bị tòa buộc phải khắc phục 673.800 tỷ đồng, tương đương gần 27 tỷ đô la, cho ngân hàng SCB, theo phán quyết của tòa trong giai đoạn 1 xét xử về hành vi rút ruột ngân hàng SCB.
Bà Lan được cho là đã nói với các nhà điều tra rằng bà sẽ ‘ưu ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các nạn nhân’.
Ngoài ra, bà Lan còn mong muốn những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động được từ trái phiếu ‘cũng phải có trách nhiệm trả hết nợ và lãi trái phiếu cho người dân’.
Theo kết luận điều tra, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc phát hành 25 gói trái phiếu của các Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh – các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ý tưởng phát hành trái phiếu này được cho là do bà Nguyễn Phương Hồng, phó tổng giám đốc SCB, đề xuất với bà Lan hồi năm 2018 để giải quyết những khó khăn tài chính cho SCB, cũng theo kết luận điều tra. Bà Nguyễn Phương Hồng đã đột ngột qua đời sau khi bị truy tố.
Bà Lan sau đó đã triệu tập ông Đinh Văn Thành, chủ tịch SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc SCB, bà Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Tiến Thành, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu, và ông Hồ Bửu Phương, phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát, đến trụ sở Vạn Thịnh Phát để truyền đạt về chủ trương phát hành trái phiếu. Những người này sau đó đã triển khai chủ trương này theo lệnh của bà Lan.
Trong đó, Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đã ‘trực tiếp chỉ đạo’ việc tập huấn cho hơn 2.000 nhân viên SCB tại 239 chi nhánh của ngân hành trên toàn quốc về cách tư vấn, mời chào khách hành mua trái phiếu rác, tờ Lao Động cho biết.
Nhiều nạn nhân trái phiếu nói với VOA rằng họ đến SCB để gửi tiết kiệm nhưng lại bị ‘nhân viên ngân hàng dẫn dụ mua trái phiếu’ và các nhân viên ngân hàng đã ‘đánh tráo khái niệm mua trái phiếu với gửi tiết kiệm linh hoạt với lãi suất cao’ để khiến họ sập bẫy.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng những nhân viên ngân hàng chỉ là ‘người làm công ăn lương làm theo chỉ đạo của cấp trên’ nên chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, và rằng chương trình tập huấn của SCB ‘chưa thấy dấu hiệu có những nội dung sai sự thật nhằm lừa đảo, dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu’, tờ Pháp luật dẫn kết luận điều tra cho biết.