Các cuộc khảo cứu trước đây đã chứng minh rằng lượng carbon trong bầu khí quyển thẩm thấu vào đại dương thay đổi hàng năm. Các nhà khoa học cũng tìm ra những kết quả đôi khi trái ngược nhau tùy theo nơi chốn và thời điểm họ nghiên cứu. Nhưng trong tạp chí Nature Geoscience - Khoa học địa chất Thiên nhiên – giáo sư môn khoa học đại dương của trường Đại học Wisconsin, bà Galen McKinley cùng các đồng sự tại Trạm Quan sát Trái đất Lamont Doherty của trường Đại học Columbia, và trường Đại học Pierre et Marie Curie ở Paris kể một câu chuyện rất khác qua việc mở rộng cuộc phân tích dữ liệu kéo dài.
Bà nói: “Khi ta nhìn lại các dữ liệu trong thời kỳ kéo dài từ 1981 đến 2009 trong vùng vĩ độ phía giữa của Bắc Đại Tây Dương từ phía nam Gulf Stream đến phía bắc đường xích đạo thì ta thấy rằng tình trạng tăng nhiệt bị thúc đẩy bởi sự biến đổi khí hậu thực sự gây ra tình trạng đại dương thẩm thấu khí carbon mang ít hiệu năng hơn.”
Bà McKinley giải thích rằng một đại dương ấm, không thể thẩm thấu và giữ khí carbon nhiều như những vùng nước mát hơn. Sự biến đổi khí hậu trong đoản kỳ đã che giấu mô thức có từ nhiều thập niên của việc thu nhận khí carbon, theo như quan sát của các tác giả cuộc khảo cứu.
Bà McKinley cho biết: “Do đó chúng ta bắt đầu nhìn thấy một tín hiệu rõ ràng, theo đó tình trạng tăng nhiệt đại dương thúc đẩy bởi sự biến đổi khí hậu đang làm cho khí carbon chủ yếu khó hòa tan hơn trong đại dương và làm giảm thiểu mức độ thẩm thấu. Và vì thế hành tinh lại tăng nhiệt hơn.”
Trả lời câu hỏi liệu có phần chắc rằng những gì quan sát được ở Bắc Đại Tây Dương cũng là điều thông thường đối với các môi trường đại dương khác hay không, giáo sư McKinley nói:
“Giả thuyết hợp lý của chúng tôi mà chúng tôi đang thử nghiệm là ít nhất tại các vùng vĩ độ phía giữa thì các môi trường cũng sẽ tác động tương tự.”
Bà McKinley cho biết công trình của bà gợi ý rằng khả năng của đại dương làm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu có thể bị suy yếu.
Bà nói: “Và đây chính là lý do vì sao chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về cách thức chúng ta có thể giảm thiểu lượng carbon thải vào bầu khí quyển, bởi vì trong khi các chỗ chứa này trở thành kém hữu hiệu hơn, thì mức độ tăng nhiệt sẽ trở thành nhanh hơn và do đó các tác động đối với nền văn minh và lối sống của chúng ta sẽ còn lớn hơn nữa.”
Bà McKinley cho rằng điều tối quan trọng là các nhà lập chính sách thấu hiểu xu hướng này, để có thể thực hiện các loại quyết định có thể làm giảm bớt tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Các đại dương tiêu biểu cho nguồn thiên nhiên hút khí carbon lớn nhất trên trái đất, vào khoảng 1 phần ba toàn bộ lượng carbon mà con người thả vào không khí qua việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu hỏa, và khí thiên nhiên trong các nhà máy điện, xe hơi và nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên VOA Roseanne Skirble, công trình khảo cứu mới cho thấy khí hậu toàn cầu ấm hơn có thể giảm thiểu khả năng của đại dương trong vai trò quan trọng đó.