Nghị viện châu Âu mới đây tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu và môi trường’ trong khi kêu gọi tất cả các nước EU cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, nhật báo Guardian của Anh cho biết.
Cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu diễn ra khi các khoa học gia cảnh báo rằng thế giới có thể đã đi quá một loạt các điểm duy trì thăng bằng về khí hậu và dẫn đến ‘tình trạng khẩn cấp cho hành tinh’.
Mặc dù có dụng ý chứng minh cam kết của châu Âu về môi trường vài ngày trước một hội nghị quan trọng về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Madrid, cuộc bỏ phiếu này cũng nhằm gia tăng áp lực lên bà Ursula von der Leyen, tân chủ tịch Ủy ban châu Âu, người tuyên bố trong tuần này rằng EU sẽ lãnh đạo cuộc chiến chống lại ‘mối đe dọa mang tính sống còn’ của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Mặc dù được thông qua với đa số rộng rãi, gồm 429 phiếu thuận, 225 phiếu chống và 19 phiếu trắng – các nghị viên châu Âu thuộc toàn thể các xu hướng chính trị đã cảnh báo không nên chỉ có những cử chỉ tượng trưng.
Các nhà vận động môi trường cho biết tuyên bố này không đi kèm với các hành động đầy đủ. “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Nghị viện châu Âu đã nhìn thấy đám cháy, nhưng chỉ đứng nhìn và theo dõi thôi thì không đủ”, Sebastian Mang, cố vấn về chính sách khí hậu EU của Greenpeace, nói ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.
Trong một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ hôm 28/11, các nghị sỹ châu Âu đã ủng hộ một nghị quyết tuyên bố rằng các mục tiêu khí hậu hiện tại của EU ‘không tương thích’ với thỏa thuận khí hậu Paris 2015 vốn kêu gọi giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ‘thấp hơn’ 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, nhưng chỉ đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C.
Các nghị sỹ ủng hộ mục tiêu khó nhằn hơn là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tức cao hơn mục tiêu hiện tại là 40%, nhưng vẫn bị các chính trị gia và các nhà vận động môi trường chế nhạo ‘không đủ’.
Ông Pascal Canfin, nghị sỹ tự do của Pháp, người soạn thảo nghị quyết khẩn cấp khí hậu, nói: “Việc châu Âu là lục địa đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25, khi Ủy ban châu Âu mới nhậm chức và ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận Paris, là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến công dân châu Âu và phần còn lại của thế giới”.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Mạng lưới Hành động Khí hậu, một liên minh quy tụ 1.700 tổ chức phi chính phủ, đã cảnh báo rằng các quốc gia thành viên EU sẽ phải vượt xa mục tiêu cắt giảm carbon hiện tại đặt ra cho đến năm 2030 để theo đúng thỏa thuận khí hậu Paris.
Một đánh giá của Mạng lưới Hành động Khí hậu cho biết châu Âu ‘không có đủ tham vọng’ để chuyển sang năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và loại bỏ than.
Báo cáo nhấn mạnh rằng đã có tiến bộ đáng kể từ khi các nước đệ trình kế hoạch ban đầu vào năm 2018. Hy Lạp, Hungary và Slovakia đã đồng ý loại bỏ than trong ngành năng lượng của họ cho đến năm 2030. Điều này có nghĩa là than chỉ còn tập trung tại năm quốc gia EU vào năm 2030: Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đức, Ba Lan và Romania.
“Các quốc gia thành viên EU còn một tháng nữa để cải thiện kế hoạch của họ”, bà Wendel Trio, giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho biết. “Rõ ràng là chất lượng của các kế hoạch này sẽ đè nặng lên khả năng hành động của EU trong vấn đề thay đổi khí hậu trong thập kỷ tới. Họ phải đặt ra con đường rõ ràng sẽ cho phép khối tăng mục tiêu khí hậu, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng tốc xây dựng nền kinh tế dựa trên năng lượng và hiệu quả hoàn toàn về mặt năng lượng”.