Đường dẫn truy cập

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris ‘sẽ không ảnh hưởng gì’


Biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris
Biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris

Việc Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu ‘sẽ không ảnh hưởng nhiều’ đến nỗ lực chung của nhân loại vì nước này ‘có cơ chế tự kiểm soát’, một nhà nghiên cứu về môi trường nói với VOA.

Hôm 4/11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc xin rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã ký kết vào năm 2016, khởi động quy trình rút ra kéo dài đúng một năm.

Mỹ tự kiểm soát?

Trao đổi với VOA về liệu việc rút lui của Mỹ có ảnh hưởng đến nỗ lực chung của nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay không, Tiến sỹ Mai Thanh Truyết, nhà nghiên cứu môi trường ở Houston, bang Texas, Mỹ, nhận định là ‘không ảnh hưởng gì cả’.

Theo cam kết của Mỹ với Hiệp định Paris dưới thời Tổng thống Barack Obama thì nước này đặt mục tiêu giảm 26 - 28% lượng phát thải vào năm 2025 so với mức 2005.

“Dù có hay không sự ký kết của Mỹ thì EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) vẫn kiểm soát rất kỹ lưỡng những biện pháp hạn chế phát thải carbon của các nhà sản xuất Mỹ,” ông Truyết phân tích.

“Theo luật bảo vệ môi trường trong sản xuất của EPA thì các nhà máy khi sản xuất ra 1 đô la thành phẩm thì phải chi thêm 50 cent để giải quyết phế thải rắn, lỏng và khí. Do đó giá thành thật sự của sản phẩm Mỹ đội lên thành 1,5 đô la trong khi các nước khác không có tiêu chuẩn đó,” ông giải thích.

Ông cũng lưu ý là mặc dù Mỹ chỉ xếp sau Trung Quốc về lượng phát thải nhưng ‘tỷ lệ bình quân trên mỗi đơn vị sản phẩm’ thì ‘thấp hơn nhiều so với Trung Quốc’. Ông đưa ra số liệu trong năm 2014 cho thấy Mỹ phát thải 7 tỷ tấn CO2 và sản xuất 22% sản phẩm của thế giới trong khi Trung Quốc phát thải 10 tỷ tấn nhưng chỉ sản xuất 19% sản phẩm của thế giới.

Về câu hỏi của VOA liệu các động thái của Tổng thống Trump nới lỏng các quy định chặt chẽ về môi trường từ thời Tổng thống Obama hay khuyến khích khai thác nhiên liệu hóa thạch và cho phép các nhà máy nhiệt điện than đá hoạt động có phải là đi ngược lại các nỗ lực bảo vệ môi trường hay không, ông Truyết cho rằng không có gì đáng lo bởi vì ‘phương pháp sản xuất của Mỹ giảm thiểu 90% lượng phát thải’ so với công nghệ dùng ở các nước đang phát triển.

Bị cô lập?

Về quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi Thỏa thuận Paris, ông Truyết cho rằng ông ‘một nửa ủng hộ, một nửa không ủng hộ’.

“Trong điều kiện chính trị hôm nay thì đó là quyết định đúng đắn, nhưng trên phương diện kinh tế và địa chính trị với sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu thì nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực,” ông giải thích.

Hiệp định Paris cho đến nay đã được 197 quốc gia ký kết và 185 nước phê chuẩn. Với việc rút ra này thì Mỹ, vốn là quốc gia phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai trên thế giới, là nước duy nhất trên thế giới đứng ngoài thỏa thuận.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định này của ông Trump khiến Mỹ bị cô lập với phần còn lại của thế giới, làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ và làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này, nhất là trên hồ sơ biến đổi khí hậu trong lúc Trung Quốc đang vươn lên nắm lấy vai trò lãnh đạo này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/11 ở Bắc Kinh đã cùng tuyên bố rằng Thỏa thuận Paris là ‘không thể đảo ngược’ trong một hành động thể hiện mặt trận thống nhất trước sự thoái lui của Washington, theo hãng tin AFP.

Trong một tuyên bố chung bằng văn bản, hai ông Tập và Macron tái khẳng định ‘sự ủng hộ kiên định đối với thỏa thuận Paris’.

Tại buổi tiếp của ông Tập ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, mặc dù không trực tiếp nêu tên Mỹ, ông Macron nói ông ‘lên án lựa chọn của những nước khác’ và rằng ‘ông xem đó là lựa chọn bên lề’.

Với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc thì ‘quyết định đơn lẻ, cô lập của nước này hay nước khác là không đủ để thay đổi hướng đi của thế giới mà nó chỉ khiến nước đó bị gạt ra bên lề’, ông Macron được dẫn lời nói.

Về phần mình, ông Tập kêu gọi cộng đồng quốc tế ‘cùng chung tay bảo vệ hành tinh của chúng ta’ và rằng ‘chúng tôi chống lại nỗ lực đặt lợi ích riêng của quốc gia lên quyền lợi chung của nhân loại’. Mặc dù không nêu đích danh Mỹ nhưng rõ ràng đây là lời chỉ trích nhắm vào chính sách ‘Nước Mỹ Trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.

Trong một văn bản có tựa đề ‘Lời kêu gọi của Bắc Kinh về Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Biến đổi Khí hậu’, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế để ‘đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận Paris’.

Các cường quốc khác trên thế giới cũng bày tỏ lấy làm tiếc và quan ngại sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định đệ đơn xin rút khỏi Thỏa thuận Paris mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về những chuyển biến cực đoan của khí hậu.

Mặc dù không còn sự lãnh đạo của Mỹ, các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ đưa ra những bước đi kế tiếp để giảm phát thải carbon nhiều hơn nữa tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha, vào tháng tới, theo Washington Post.

“Nếu chúng ta muốn tuân thủ Hiệp định Paris thì vào năm tới chúng ta cần phải tăng cường cam kết giảm phát thải và chúng ta cần phải đưa ra các cam kết mới cho các thời hạn 2030 và 2050,” Tổng thống Macron phát biểu ở Trung Quốc.

Hy vọng vào Trung Quốc?

Với việc rút ra của Mỹ thì nỗ lực của Trung Quốc, với tư cách là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, trở thành then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Trong Thỏa thuận Paris, Trung Quốc đưa ra cam kết vô điều kiện là sẽ ‘giảm 60-65% phát thải carbon trên mỗi đơn vị GDP đến năm 2030 so với mức 2005’. Đây được gọi là mục tiêu cường độ phát thải carbon, khác với mục tiêu cắt giảm 26-28% tổng lượng carbon của Mỹ.

Trong một phúc trình có tên là ‘Sự thật Đằng sau những Cam kết về Khí hậu’ của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới vừa được công bố về mức độ thực hiện cam kết của các nước trong Thỏa thuận Paris, thì Trung Quốc được đánh giá là ‘có khả năng thực hiện đúng những gì đã cam kết’ do nước này đã giảm cường độ phát thải carbon kể từ năm 2005.

Mặc dù trong cam kết của mình, Trung Quốc cho rằng lượng phát thải carbon của họ ‘sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030 và sau đó sẽ đi xuống’ nhưng phúc trình này nhận định nước này sẽ ‘tiếp tục tăng phát thải carbon trong ít nhất thêm một thập niên nữa’ dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế dự đoán của nước này.

Do đó, phúc trình kết luận rằng cam kết của Trung Quốc là ‘không đủ’ để góp phần vào mục tiêu giảm 50% lượng phát thải trên toàn cầu vào năm 2030.

‘Tiền lệ xấu’

Theo tờ Washington Post thì việc ông Trump bác bỏ sự đồng thuận toàn cầu về khí hậu ‘đã dọn đường cho các lãnh đạo hoài nghi khác cũng theo chủ nghĩa dân tộc làm theo’. Tờ báo này chỉ ra trường hợp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vốn bổ nhiệm những người hoài nghi về khí hậu vào những vị trí chủ chốt trong nội các của ông và ‘việc chính phủ này có tìm cách đạt được những cam kết phát thải đầy tham vọng mà những người tiền nhiệm đưa ra hay không là điều đáng nghi ngờ’.

“Khi nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước phát thải chủ chốt nói rằng chúng tôi không quan tâm đến biến đổi khí hậu thì đó là tín hiệu cho các nước khác không cần phải làm gì nhiều,” bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand, được Washington Post dẫn lời nói bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9. Bà Clark cũng ca ngợi nỗ lực của các thống đốc và thị trưởng ở Mỹ đã tìm cách ‘lách khỏi’ sự cứng nhắc của chính quyền Trump và thực thi những cải cách về khí hậu trong phạm vi quyền hạn của họ.

Hồi tháng 9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antoniao Guterres đã nói rằng ‘phí tổn lớn nhất là trợ cấp cho ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch đang chết’ và ‘xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than nữa và phủ nhận một điều rõ ràng như ban ngày rằng chúng ta đang trong hố sâu khí hậu’ và để thoát ra hố sâu đó, theo ông, ‘trước hết là phải ngưng khai mỏ’.

Những người chỉ trích ông Trump ở Mỹ nói rằng bên cạnh việc ông phủ nhận khoa học một cách nguy hiểm, ông còn quay lưng với cơ hội làm cho Mỹ trở thành nước đi đầu về năng lượng gió, mặt trời và các dạng năng lượng tái sinh khác.

“Bằng cách dựng lên các rào cản cho việc chuyển đổi cần thiết sang nền kinh tế ít carbon, ông Trump đang làm cho các doanh nghiệp Mỹ trở nên ít cạnh tranh hơn và để các cơ hội kinh tế và công việc mới rơi vào tay các nước khác,” cựu Ngoại trưởng John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel viết trong một lá thư chung được Washington Post dẫn lời.

VOA Express

XS
SM
MD
LG