Đường dẫn truy cập

Giới trẻ thế giới dẫn đầu cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu


Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Philippines, phần lớn là sinh viên học sinh với thông điệp "Không có hành tinh B" trùng với các cuộc biểu tình toàn cầu chống biến đổi khí hậu ngày thứ Sáu 20/9/2019. (AP Photo/Bullit Marquez)
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Philippines, phần lớn là sinh viên học sinh với thông điệp "Không có hành tinh B" trùng với các cuộc biểu tình toàn cầu chống biến đổi khí hậu ngày thứ Sáu 20/9/2019. (AP Photo/Bullit Marquez)

Hàng trăm ngàn học sinh, nhân viên văn phòng cùng nhiều người khác rầm rộ kéo nhau xuống đường hôm thứ Sáu 20/9 tại nhiều thành phố trên khắp thế giới, để đòi giới lãnh đạo phải hành động để đối phó với biến đổi khí hậu.

Đây là cuộc “Đình công Toàn cầu vì Khí hậu” thứ nhì, tiếp theo sau một sự kiện tương tự hồi tháng Ba, cũng thu hút những đám đông lớn.

Theo bản tin Reuters thì các sự kiện bắt đầu từ các đảo Thái Bình Dương, nơi một số quốc đảo bị đe dọa nghiêm trọng nhất vì mực nước biển dâng cao, tiếp theo là các thành phố của nước Úc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Châu Âu và Phi Châu.

Nhân vật gợi hứng cho phong trào đấu tranh này là một nhả hoạt động rất trẻ, chỉ mới lên 16: cô Greta Thunberg, người Thụy Điển, đã tổ chức các cuộc biểu tình mỗi tuần dưới tên “Thứ Sáu vì Tương lai” trong suốt năm qua, để kêu gọi lãnh đạo thế giới đẩy mạnh các nỗ lực của họ chống biến đổi khí hậu.

Greta ghi nhận kích thước của các đám đông ở Sydney qua một dòng Tweet, miêu tả cuộc biểu tình ở Sydney đã đặt ‘tiêu chuẩn’ cho các cuộc đình công và phản kháng được lên kế hoạch tại khoảng 150 quốc gia trên thế giới.

Trên khắp Úc, người biểu tình tuần hành tại 110 thành phố và thị trấn, từ Sydney và Melbourne, 2 thành phố lớn nhất nước và thủ đô Canberra, cho tới các thành phố nhỏ bé, thưa dân như Alice Springs ở trung tâm nước Úc.

Người biểu tình chống biển đổi khí hậu trên cầu Victoria trong cuộc tuần hành ở thành phố Brisbane, Úc, ngày 20/9/2019. AAP Image/Darren England/via REUTERS
Người biểu tình chống biển đổi khí hậu trên cầu Victoria trong cuộc tuần hành ở thành phố Brisbane, Úc, ngày 20/9/2019. AAP Image/Darren England/via REUTERS


Những người biểu tình yêu cầu các nhà lãnh đạo của nước Úc, quốc gia xuất khẩu than và khí đốt nhiều nhất thế giới, phải có hành động quyết liệt để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ban tổ chức và cảnh sát đưa ra những con số khác biệt về số người tham gia. Hệ thống truyền thông ABC của Úc đưa ra một ước lượng bảo thủ là 180.000 người trên toàn quốc, trong khi hãng tin AP dẫn số liệu của những người tổ chức, nói tổng cộng có tới 300.000 người tham gia ‘trong cuộc biểu tình được cho là lớn nhất ở Úc tính từ sau chiến tranh Iraq năm 2003’.

Tại Thái Lan, trong một hành động phản kháng hiếm thấy, hơn 200 người trẻ tuổi xông vào Bộ Môi trường ở Bangkok, và đồng loạt lăn xuống đất giả chết. Cô Nanticha Ocharoenchai, 21 tuổi, 1 người trong ban tổ chức, giải thích:

“Đó là điều sẽ xảy ra nếu chúng ta không chặn lại biến đổi khí hậu ngay bây giờ.”

Đến giữa trưa thì trên khắp Châu Âu và Châu Phi, nhiều đám đông tụ tập tại nhiều thành phố, trong đó có London, Berlin, Warsaw và Nairobi.

Cao điểm của sự kiện toàn cầu này dự kiến diễn ra tại New York, khi cô Thunberg phát biểu tại Thượng đỉnh Hành động Khí Hậu Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Hai 23/9.

Nhà đấu tranh tuổi teen đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động đấu tranh bảo vệ môi trường, sẽ dẫn đầu một cuộc tuần hành tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG