Nhận định về sự cố một máy bay của Việt Nam Airlines phải thay đổi hướng bay sau bị dọa bắn ở Nhật, chuyên gia kỹ thuật hàng không Nguyễn Thiện Tống nói với VOA rằng cách xử lý của tổ bay và của Cục Hàng không Việt Nam hơi ‘thận trọng quá mức’.
“Một người nào đó lên tiếng đe dọa mà không có căn cứ, không có lý do gì cả mà [xử lý như vậy] gây ảnh hưởng đến máy bay phải hạ xuống Fukuoka, rồi đến hơn 4 giờ đồng hồ sau mới bay trở lại thì phiền toái lắm!
“Tôi nghe tin này mà nghe khó hiểu về cách bảo vệ an ninh hàng không. Với một sự đe dọa thì phải đối phó, nhưng nó phiền toái quá. Các biện pháp an toàn là cần thiết nhưng nhiều khi cũng quá mức…Thử hỏi rằng sự đe dọa đó có khả năng đe dọa không? Có khả năng thực hiện được không? Ai có phương tiện bắn hạ máy bay trong vùng trời của Nhật Bản?
“Tôi nghĩ cái cách xử sự cũng hơi lạ lùng. Không lẽ an ninh của Nhật Bản để cho một người dân nào đó bắn tên lửa lên bầu trời của mình à?”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, người sáng lập ngành Kỹ thuật Hàng không, trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh, chỉ có rocket mới có thể bắn được máy bay khi đang bay ở độ cao như vậy.
Your browser doesn’t support HTML5
Như VOA đã loan tin, sáng ngày 5/1, khi một máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines bay qua vịnh Tokyo từ phi trường Narita về Hà Nội, chi nhánh của hãng này tại Nhật nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông “đe dọa có thể bắn” chiếc máy bay này.
Thông cáo của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) hôm 5/1 viết: “Sau khi được sự đồng ý của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép Nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng tàu bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.”
Khi được hỏi về cách xử lý tình huống đe dọa máy bay mà phải qua các tầng cấp thẩm quyền như vậy, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia thâm niên về ngành hàng không, nói với VOA:
“Tôi nghĩ là quá thận trọng! Họ phải liên lạc với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nữa! Theo tôi, cái đó phải liên lạc trực tiếp ngay với an ninh của Nhật Bản.”
“Tôi theo dõi bản tin này tôi thấy lạ lùng. Phải liên lạc về Việt Nam, liên lạc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, rồi mới liên lạc với bên Nhật để đáp xuống sân bay Fukuoka.
“Tôi nhìn trên quỹ đạo thì nó đã bay quá Fukuoka rồi mới bay vòng lui để đáp xuống. Nên đặt vấn đề là bay tiếp về thì có nguy hiểm gì không mà phải bay lui? Nếu như có gài bom trên máy bay thì đó là lời đe dọa khác.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Tống cũng lưu ý rằng Nhật Bản là nước yên bình, không phải nằm trong vùng chiến địa, chính phủ Nhật có các biện pháp hữu hiệu để đối phó với khủng bố và có quy định đảm bảo an ninh, và người dân thường cũng không có khả năng và phương tiện để tấn công máy bay khi đang bay như vậy.
Ông cũng nói rằng không nên lờ đi với tình huống đe dọa như vậy, nhưng tốt nhất là liên lạc ngay với giới chức an ninh của nước sở tại.
XEM THÊM: Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, xem xét không cách ly người nhập cảnhMột phi công của Vietnam Airlines không nêu tên cho VOA biết rằng khi gặp tình huống đe dọa an ninh thì tổ bay phải tìm cách cho máy bay hạ cánh càng sớm càng tốt.
“Vì vậy trong tình huống vừa qua, cách xử lý của tổ bay theo sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản là phù hợp và đúng đắn,” viên phi công cho VOA biết.
CAAV: Không bỏ qua giả thiết có chất nổ trên máy bay
Hôm 6/1, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho VNExpress biết cơ quan này nhận định giả thiết có chất nổ trên máy bay Vietnam Airlines nên yêu cầu hạ cánh tại Nhật để kiểm tra an ninh.
“Chúng tôi hơi bất ngờ khi tiếp nhận thông tin đe dọa máy bay, song tình huống này đã nằm trong kịch bản máy bay bị can thiệp bất hợp pháp, có người tung tin giả,” một vị lãnh đạo CAAV cho biết.
Vị lãnh đạo không nêu tên này nói rằng việc máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa là “tình huống hy hữu”. “Các máy bay Việt Nam hoạt động ở nước ngoài chưa từng bị dọa bắn, chỉ một số lần khách tung tin có bom”, vị này nói với trang VNExpress.
Trang Hà Nội Mới dẫn lời ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết các tình huống đe dọa an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án được xây dựng theo các kịch bản khác nhau, bất kỳ sự cố nào xảy ra đều có phương án xử lý.
“Về nguyên tắc, khi nhận được bất kỳ thông tin đe dọa an ninh hàng không nào, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá rủi ro trước khi triển khai tiếp các lực lượng,” ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng phương án xử lý vụ máy bay VN5311 của Vietnam Airlines “đã có trong kịch bản,” theo Báo Giao thông.
Trang Lao động dẫn lời ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết ngay từ chiều 5/1, Cục Phòng chống khủng bố và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã phối hợp với Nhật Bản điều tra vụ việc máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn.
Truyền thông Việt Nam cho biết Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản làm rõ sự việc.
Your browser doesn’t support HTML5
Hành khách chỉ biết máy bay bị dọa bắn khi đến Nội Bài
Các hành khách trên chuyến bay VN5311 từ Tokyo về Hà Nội tối 5/1 được thông báo máy bay “gặp sự cố kỹ thuật”, phải quay đầu, không hề biết về vụ “dọa bắn”.
Trang VNExpress dẫn lời bà Trần Thị Ngọc, ở Hà Nội, một trong 47 hành khách trên chuyến nay VN5311 cho biết chiếc Boeing 787 khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương), bà bất ngờ thấy máy bay quay ngược trở lại Nhật Bản khi cơ trưởng thông báo máy bay bị sự cố kỹ thuật.
“Lúc đó máy bay đã đi được 40% chặng đường nên quay lại Nhật khiến tôi và mọi người có chút lo lắng, không hiểu lý do kỹ thuật gì mà phải dừng tại sân bay Fukuoka”, bà Ngọc nói với trang VNExpress.
Ông Phạm Thanh Hải, ở TP Thái Nguyên, cho biết máy bay đang bay ổn định thì hành khách được thông báo sự cố kỹ thuật mà không biết cụ thể là gì, cũng theo trang VNExpress.
Chỉ khi xuống máy bay ở Nội Bài, các hành khách mới giật mình biết máy bay bị dọa bắn.