Đường dẫn truy cập

Máy bay của Vietnam Airlines bị đe dọa ‘bắn hạ’ khi bay qua Vịnh Tokyo


Máy bay của Vietnam Airlines.
Máy bay của Vietnam Airlines.

Một chuyến bay của Vietnam Airlines đã phải chuyển hướng bay hôm 5/1 sau khi nhận được cuộc gọi đe dọa “bắn hạ” khi bay qua Vịnh Tokyo, Nhật Bản.

Trong thông cáo báo chí phát đi vào tối 5/1, Cục Hàng không Việt Nam cho biết chuyến bay VN5311 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sau khi khởi hành vào lúc 10:30 (giờ địa phương) từ Narita – Nhật Bản về Hà Nội đã nhận được cuộc gọi điện thoại vào khoảng 11:10 từ một người đàn ông tự xưng là người Mỹ nói tiếng Nhật. Người này nói rằng: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.

Khi người nhận điện thoại hỏi lại rằng: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không?”, thì người này trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.

Thông cáo cho biết vào thời điểm cuộc gọi diễn ra, chuyến bay VN5311 đang chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo.

Vụ việc đã được báo cáo ngay cho giới hữu trách hàng không, Bộ Công an, nhà nước Việt Nam và nhà chức trách Nhật Bản.

Sau cuộc họp khẩn của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam với giới hữu trách hai nước, Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng chuyến bay và hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản, vào khoảng 13:02.

Tại đây, giới hữu trách và cảnh sát phi trường Fukuoka đã kiểm tra và phỏng vấn các nhân viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Sau khoảng 2 giờ kiểm tra, xem xét và đánh giá thông tin và tình trạng an toàn của chuyến bay, giới hữu trách Nhật Bản đã cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội.

Chuyến bay được cho biết đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, an toàn vào lúc 18:12 (giờ Việt Nam).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết vụ việc đã được báo cáo cụ thể để phía Việt Nam có thể phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản điều tra, làm rõ vụ việc.

Những năm gần đây, hàng không Việt Nam thỉnh thoảng gặp một số vụ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không đối với các chuyến bay trong nước, nhưng đây là vụ việc hiếm hoi xảy ra làm thay đổi lộ trình bay và gây ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế.

Theo báo cáo vào tháng 8/2020 của Cục Hàng không Việt Nam, trong vòng 7 tháng của năm 2020, hàng không Việt Nam đã xảy ra 31 sự cố, giảm 40% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng (mức B), 5 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 24 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào thời điểm đó đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải Việt Nam nâng hiệu quả đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy, điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và các yếu tố gây ra các sự cố uy hiếp an toàn hàng không và đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

“Tuyệt đối không để tái diễn các sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của con người”, Phó Thủ tướng Việt Nam nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG