Trong khi Việt Nam đang chấn chỉnh lại sau các vụ bạo động chống Trung Quốc hồi tháng trước bằng những khoản bồi thường bảo hiểm và trả lại tiền thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, vẫn chưa có giải pháp nào cho vụ đối đầu về lãnh hải đang tiếp diễn ở Biển Ðông. Thông tín viên Marianne tường trình từ Hà Nội cho đài VOA.
Căng thẳng bùng ra sau việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển mà Việt Nam nhận chủ quyền chưa có dấu hiệu hạ giảm. Nhưng vào lúc đang phân vân giữa các chọn lựa, Việt Nam cũng đang lo chắp vá lại những mảnh vỡ sau những vụ biểu tình chống Trung Quốc cách đây nhiều tuần châm ngòi cho các cuộc bạo động ở các khu công nghiệp khắp nước.
Chính phủ Việt Nam đã có các “biện pháp kiên quyết” bồi thường cho các doanh nghiệp và thủ tướng cùng phó thủ tướng đã chỉ thị cho giới hữu trách địa phương làm việc với những người bị ảnh hưởng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố trong cuộc họp báo thường lệ ngày thứ năm.
Ông Bình cho biết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.
Trong số những vụ chi trả, các công ty bảo hiểm ở tỉnh Ðồng Nai đã bồi thường 1,87 triệu đôla, trong đó có 30 công ty của Ðài Loan, 2 công ty của Trung Quốc và 3 công ty của Việt Nam, theo trang web của bộ Tài Chính Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, tỉnh Bình Dương, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã chi trả 5,5 triệu đôla tiền bảo hiểm cho 113 công ty, trong đó có 87 công ty Ðài Loan.
Thành viên kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á ở Singapore Hà Hoàng Hợp nói những vụ bạo động là hết sức đáng tiếc. Nhưng ông cho rằng những vụ này xảy ra “ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Việt Nam và ý muốn của dân chúng Việt Nam.”
“Đó là một diễn biến rất tiêu cực và tôi không nghĩ rằng loại bạo động đó và các hậu quả của việc ấy sẽ tác động tiêu cực đến mọi cuộc thương thảo song phương nào giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Sau các cuộc bạo động, Việt Nam đã trấn áp các cuộc biểu tình bài Trung Quốc, đã được dung chấp trong một thời gian ngắn trên khắp nước.
Tuần trước, khoảng 15 người tụ tập ở trung tâm Hà Nội chỉ có đủ thời giờ để phất một biểu ngữ và hô to vài khẩu hiệu trước khi 7 người bị công an kéo đi.
Một thành viên của Ðoàn Thanh niên Cộng Sản tên là Ðỗ Anh Vinh, 22 tuổi, đã giúp lực lượng an ninh ngăn người biểu tình. Anh nói anh tin rằng các cuộc biểu tình làm đất nước mang tiếng xấu.
Anh Vinh nói chính phủ có thể bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi Việt Nam kiềm chế tình cảm bài Trung Quốc trong nước, căng thẳng với Trung Quốc không có dấu hiệu hạ giảm. Tuần trước, ngay sau chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Bắc Kinh loan báo sẽ hạ đặt thêm 4 giàn khoan dầu ở Biển Ðông, trong đó có một giàn đang được đặt trên ranh giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình nói Việt Nam đang theo dõi sát vị trí các giàn khoan này.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam từng tuyên bố chính phủ đang cứu xét hành động pháp lý chống Trung Quốc. Nhưng một số chuyên gia nói chuẩn bị một vụ kiện sẽ mất quá lâu và tốn kém quá nhiều.
Ông Hợp của Viện ISEAS không đồng ý:
“Tôi không cho rằng việc chuẩn bị sẽ mất nhiều thời giờ tính từ lúc này. Tôi nghĩ nhiều điều đã được chuẩn bị sẵn. Và thực ra công cuộc chuẩn bị chắc cũng không tốn kém quá. Ngoài ra về mặt chính trị và pháp lý, mọi người không phải chờ đợi cho đến khi mọi thứ hoàn thành mới đưa ra tòa án quốc tế.”
Trong khi chờ đợi, cả hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau về việc đâm tàu vào nhau trong khu vực.
Hôm nay, Việt Nam nói tàu Trung Quốc đã đâm 17 tàu hải giám hơn 100 lần, làm 15 người bị thương. Trung Quốc thì nói Việt nam đâm vào tàu của họ hơn 1.000 lần.