Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?

Biển hiệu của Google tại trụ sở của hãng ở Mountain View, bang California, hồi năm 2010 (AP Photo/Paul Sakuma).

Google, hãng khổng lồ về công nghệ của Mỹ, tuyên bố liên tiếp trong hai ngày nay về việc đầu tư tổng cộng 3 tỷ đô la vào Malaysia và Thái Lan để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam, dù hãng đã cân nhắc về đất nước có chính quyền cộng sản cách đây hơn 1 tháng.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy nói với VOA rằng Việt Nam bị bất lợi khi cạnh tranh với 2 nước láng giềng trong trường hợp cụ thể này về các mặt gồm chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng và niềm tin của doanh nghiệp về mức độ can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh doanh.


Reuters và nhiều báo đài nước ngoài cho biết Google và chính quyền Malaysia làm lễ động thổ xây dựng một trung tâm dữ liệu kiêm vùng lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud region) trị giá 2 tỷ đô la hôm 1/10. Google nói rằng khoản đầu tư này sẽ tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn 3 tỷ đô la vào nền kinh tế Malaysia trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Trước đó 1 ngày, Google khẳng định sẽ đầu tư 1 tỷ đô la vào một trung tâm tương tự ở Thái Lan, tạo ra trung bình 14.000 việc làm mỗi năm từ nay đến năm 2029.

Chỉ cách đây hơn 1 tháng, hôm 29/8, Reuters và các báo đài nước ngoài đưa tin rằng Google “cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam”, có thể là tại một nơi gần thành phố Hồ Chí Minh, và nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là dự án đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam do một hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư.

Nhưng cho đến nay, theo quan sát của VOA, chưa có thêm thông tin về việc Google có thực sự đầu tư gì vào Việt Nam hay không. VOA liên lạc với Google để tìm hiểu thêm nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Một trong những lý do Việt Nam để tuột mất khoản đầu tư của Google, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, là chất lượng nhân lực ở Việt Nam không bằng hai nước láng giềng nêu trên:

“Các trường đại học của họ từ lâu đã dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai rồi. Người kỹ sư hay người quản lý trình độ cao thì dễ tìm. Khả năng, chất lượng làm việc của họ cao hơn hẳn Việt Nam. Đó là lợi thế của Malaysia với lại Thái Lan”.

Lời nhận xét của Tiến sĩ Vũ là một thực tế mà báo chí Việt Nam đã nhiều lần nói đến cả trước đây lẫn hiện nay, theo quan sát của VOA.

Trang VnEconomy và một số trang tin trong nước từng cảnh báo Việt Nam sẽ thiếu từ 150.000 đến 200.000 người làm trong ngành công nghệ thông tin mỗi năm. Trong khi đó, Lao Động và các báo khác từng phản ánh về số người có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam “đông như quân Nguyên” nhưng “không tinh nhuệ”, các hãng nước ngoài vẫn gặp khó khăn để tuyển được đúng người.

Yếu tố thứ hai mà Việt Nam kém Malaysia và Thái Lan là cơ sở hạ tầng, Tiến sĩ Vũ nói với VOA. Ông cho rằng đường cao tốc, mạng internet và những cơ sở vật chất khác của hai nước tốt hơn nhiều so với Việt Nam.

Điều này cũng đã được báo chí Việt Nam và ngay cả các phiên thảo luận tại quốc hội của đất nước nêu ra. Cổng thông tin của quốc hội Việt Nam đăng bài hồi tháng 11/2023 thừa nhận “chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển”, còn tại các thời điểm khác nhau, báo chí cho biết các nhà đầu tư nước ngoài “than phiền” hoặc “chê” về hạ tầng, về thủ tục hành chính rườm rà…

Nguyên nhân thứ ba được Tiến sĩ Vũ chỉ ra khi Việt Nam để lỡ dự án của Google là cơ chế dân chủ ở Malaysia và Thái Lan dù chưa hoàn hảo như các nước phương Tây song vẫn hơn Việt Nam.

Hai nước này có quốc hội tách bạch với chính phủ, có lực lượng đối lập, chính quyền tôn trọng thông tin của người dân và doanh nghiệp, không có việc chính quyền ép doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin khi chính quyền muốn theo dõi người dân, ông Vũ đưa ra bức tranh khái quát.

“Bởi vì 3 lý do đó, các công ty công nghệ sẽ chọn Malaysia hay Thái Lan hơn là Việt Nam. Về con người, về hạ tầng, về chính sách, về môi trường xã hội, về chính trị, họ thua những nước như Malaysia hay Thái Lan trong cuộc đua để giành các khoản đầu tư chất lượng cao”, ông Vũ tổng kết, đồng thời lưu ý thêm rằng mức lương công nhân và kỹ sư Việt Nam giờ đây cao hơn trước nhiều và không rẻ hơn hai nước láng giềng.

VOA liên lạc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Ngoại giao để hỏi về phản ứng của họ liên quan đến quyết định mới đây của Google, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Theo Tiến sĩ Vũ, Việt Nam cần phải làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh mới mong giành được các khoản đầu tư lớn, đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, và giảm kiểm soát của chính phủ với nguồn thông tin trong khi cho phép doanh nghiệp được độc lập hơn về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị này cho rằng Việt Nam đối mặt với những cản trở không dễ vượt qua, đó là nền giáo dục lạc hậu và vấn đề lớn hơn nữa là cơ chế chính trị không tạo đất sống cho tự do ngôn luận, tự do học thuật, tự do sáng tạo…

Ông Vũ phân tích thêm: “Đảng cộng sản duy trì quyền lực đẩy xã hội đến một ngưỡng không thể vượt ra được để phát triển. Chẳng hạn như muốn có các trường đại học tốt, chính quyền phải để cho các trường có sự tự trị nhất định trong đào tạo, đổi mới cách giáo dục, bổ nhiệm giáo sư… Hiện nay, điều này không có ở Việt Nam, nên các trường không phát triển được, không đào tạo được những người ra trường có khả năng”.

Về mối liên quan của sự tự do, Tiến sĩ Vũ chỉ rõ: “Sinh viên ra trường muốn sáng tạo phải có tự do trong tư tưởng. Nhưng điều đó không có ở Việt Nam, do cách giáo dục nhồi sọ, định hướng, kể cả môi trường truyền thông định hướng, dẫn đến sự bế tắc. Vì vậy, khi công ty công nghệ cao cần tuyển người kỹ sư có sự sáng tạo, độc lập, họ kiếm không ra ở Việt Nam”.

Kiểm soát ngôn luận và thông tin, kể cả thông tin ở dạng dữ liệu, là nét đặc trưng của đất nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo với lý do duy trì an ninh quốc gia, Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh, nhưng điều này mâu thuẫn với nhu cầu độc lập của các công ty công nghệ và vì vậy họ không thấy thoải mái khi hoạt động ở Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,5 tỷ đô la, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 8%, báo chí trong nước cho biết.

Nhưng các báo cũng dẫn lời một số chuyên gia trong nước đánh giá rằng chưa có nhiều dự án FDI về công nghệ cao, hay công nghệ xanh, cũng như còn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, vì vậy, chưa có những tác động lan tỏa về công nghệ đến các doanh nghiệp trong nước.