Chủ tịch Trung Quốc thăm Philippines, Duterte bị hối thúc gây sức ép lên Tập

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nâng ly trong tại lễ yến tiệc ở phủ tổng thống ở Manila, Philippines, hôm 20/11.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines hôm 20/11 để thúc đẩy hơn nữa lợi ích chiến lược được đưa ra dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã ca ngợi một “sự thúc đẩy mới” đằng sau một mối quan hệ mà những tham vọng to lớn của ông về hạ tầng cơ sở có thể dựa dẫm vào.

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra hai năm sau khi ông Duterte, một người không theo các quy tắc, tuyên bố ông sẽ thay đổi chính sách ngoại giao để tách khỏi đồng minh lâu năm Mỹ và hướng về Trung Quốc, bất chấp mấy mươi năm không tin tưởng nhau và các tranh chấp trên biển giữa hai nước.

Ông Duterte đang đối mặt với những chỉ trích từ các đối thủ vì đã nhún nhường Trung Quốc quá nhiều trong chính trị để chạy theo những hứa hẹn cho vay và đầu tư hàng tỷ đô la, nhưng chưa được thực hiện và cũng chưa được chính thức cam kết.

Hai nhà lãnh đạo hôm 20/11 chứng kiến việc ký kết 29 văn kiện, đa số đều chung chung và mơ hồ, từ hợp tác trong giáo dục, văn hóa và phát triển khu công nghiệp cho đến hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác nông nghiệp và lập các quy trình vệ sinh cho việc vận chuyển các sản phẩm dừa.

Ông Duterte nói hai bên xây dựng được “một sự tin tưởng sâu sắc” và rằng ông và ông Tập đã bàn thảo việc tăng cường thương mại và đầu tư, và sự tham gia của Trung Quốc vào chương trình cơ sở hạ tầng lớn trị giá 180 tỷ USD mang tên “Xây, Xây nữa, Xây mãi.”

“Với sự tương kính, thành thực và tôn trọng chủ quyền, tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch Tập,” tổng thống Philippines nói.

Tuy nhiên, trong số 38 dự án của Philippines có sự tham gia của Trung Quốc cách đây 2 năm, chỉ có 4 dự án được cam kết hôm 20/11.

Một dự án trong số đó được thông qua cho một khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng một con đập trị giá 232,5 triệu USD; một dự án khác là thuê một công ty tư vấn cho một kế hoạch đường ray. Hai dự án còn lại là để khởi động các nghiên cứu khả thi về một cây cầu nối các đảo, một đường cao tốc tới tỉnh quê hương của ông Duterte.

Ông Tập nói ông và Tổng thống Duterte sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước lên tầm “hợp tác chiến lược toàn diện” và nói thêm rằng họ có nhiều lợi ích chung trên Biển Đông và sẽ tiếp tục “giải quyết các vấn đề xung đột.”

Việc giải quyết các vấn đề này của ông Duterte đã làm những người theo chủ nghĩa dân tộc chán nản – những người này cho rằng ông Duterte đã từ chối không chỉ trích việc xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc, hay yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 có lợi cho Philippines khi phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông.

Mặc dù quan điểm của công chúng hầu như ủng hộ nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, các cuộc thăm dò lại luôn cho thấy sự e dè về chính sách của ông đối với Trung Quốc và quan điểm cá nhân ghét Mỹ của ông.

Một cuộc thăm dò dư luận của Social Weather Stations đối với 1.200 người dân Philippines được công bố vào ngày ông Tập tới thăm cho thấy 84% trong số họ cảm thấy nếu không phản đối việc quân sự hóa các đảo nhận tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là sai trái.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy sự tin tưởng vào Mỹ vẫn còn “rất cao” nhưng sự tin tưởng vào Trung Quốc là “thấp.”

Khi được yêu cầu bình luận về kết quả thăm dò, người phát ngôn của tổng thống, Salvador Panelo, nói chiến lược của ông Duterte là tránh một sự xung đột trong khi hưởng lợi từ việc tăng cường kinh doanh.

“Thay vì gây hấn, ông ấy sẽ bàn thảo với họ và có được những quan hệ thương mại có lợi cho đất nước này,” ông Panelo nói với kênh tin tức ANC.

Bình luận trước cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, ông Panelo thừa nhận về sự chậm chễ của Trung Quốc trong việc đưa ra những cam kết về đầu tư nhưng cho biết rằng ông hy vọng ông Duterte đủ dũng cảm để “gây sức ép” lên ông Tập.