Chủ tịch Trung Quốc thăm ngư dân, cảnh báo Việt Nam?

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ ‘cương quyết bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ’.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tới thăm một làng chài ở Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải thuộc tỉnh Hải Nam.

Báo chí nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập hỏi chuyện ngư dân rằng họ có cảm thấy an toàn khi đánh bắt ở vùng biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) hay không.

Trong chuyến đi chưa có tiền lệ mà một số tờ báo của Việt Nam coi là ‘động thái đáng lưu ý’, ‘dọa dẫm’, ông Tập cam kết sẽ hỗ trợ các ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản.

Ông bắt tay và nói với các ngư phủ: “Tôi rất ấn tượng sau khi nghe các câu chuyện của các bạn. Đảng và nhà nước sẽ nỗ lực hơn nữa để chăm lo cho các bạn”.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh muốn phát đi một thông điệp mạnh mẽ đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, trong đó có Việt Nam, thông qua chuyến thăm các ngư dân của ông Tập.

Ông Dương Danh Dy, Nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, cho rằng hành động của Chủ tịch Trung Quốc cho thấy ‘một bước leo thang nữa của ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh’.

Đây là việc gián tiếp khuyến khích ngư dân Trung Quốc đi xâm phạm lãnh hải của những nước khác, của những nước xung quanh.
Ông Dương Danh Dy nhận định.
Ông nói: “Nó thể hiện cái cứng rắn, ngang ngược. Ai làm gì ngư dân Trung Quốc nếu họ đánh bắt trong vùng biển của họ. Chỉ có khi anh vào vùng biển của Philippines, của Malaysia hay của Việt Nam thì người ta mới xua đuổi, ngăn chặn chứ. Còn nếu họ đánh ở vùng biển của họ thì ai chạm tới họ làm gì".

Nhà nghiên cứu nói tiếp: "Đây là việc gián tiếp khuyến khích ngư dân Trung Quốc đi xâm phạm lãnh hải của những nước khác, của những nước xung quanh”.

Cựu giới chức ngoại giao này cho rằng Trung Quốc muốn đánh đi tín hiệu cảnh báo các quốc gia hiện trong vòng tranh chấp ở biển Đông.

Ông Dy nói, hành động của ông Tập Cận Bình thể hiện ‘sự nhất quán và liền mạch’ trong chính sách của Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải.

“Đây là nhân tiện Hội nghị Bác Ngao thôi. Chứ còn sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi vừa được bầu làm Tổng bí thư, ông Tập Cận Bình đã đi thăm Thâm Quyến", ông nói.

"Người ta tưởng ông Tập chỉ đi thăm đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc thôi, nhưng thực chất ra, ông còn đi thăm Hạm đội Nam Hải và khuyến khích bộ đội là phải nghe lời đảng rồi sẵn sàng chuẩn bị chiến tranh. Từ năm ngoái, ông ta đã có hành động đó rồi”.

Việt Nam thì thấy rõ ông ta là một anh gây chiến, cứng rắn hơn những người tiền nhiệm thôi. Ông ta nguy hiểm. Theo tôi, đối với Việt Nam, ông ta là người nguy hiểm.
Ông Dương Danh Dy nói.
Khi được hỏi về hành động của ông Tập trong mắt giới chức ở Hà Nội, học giả nghiên cứu về Trung Quốc nhận định: “Việt Nam thì thấy rõ ông ta là một anh gây chiến, cứng rắn hơn những người tiền nhiệm thôi. Ông ta nguy hiểm. Theo tôi, đối với Việt Nam, ông ta là người nguy hiểm”.

Trong khi đó, nhà sử học Nguyễn Nhã cho rằng bất kỳ một nhà lãnh đạo nào, một đất nước nào đều “có nhiệm vụ bảo vệ ngư dân trong lãnh hải hay hải phận của mình”.

“Nhưng nếu họ bảo vệ ngư dân xâm phạm các vùng biển của nước khác thì đấy là trái với luật pháp quốc tế”, ông nói thêm.

Ông Nhã nhận xét: “Bất cứ lãnh đạo của một quốc gia nào thì cũng phải bảo vệ chủ quyền của mình, đã quy định trong luật pháp quốc tế. Khi mà ông Tập Cận Bình có những hành động như thế thì tôi nghĩ các lãnh đạo quốc gia khác họ cũng có nhiệm vụ như ông Tập vậy thôi, không có cách nào khác nữa. Nếu không bảo vệ được dân, ngư dân người ta thì khó mà chấp nhận được”.

Ông Tập tới thăm các ngư dân ở Hải Nam trong khi dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao, nơi ông cũng đề cập tới vấn đề biển Đông. Chính trị gia này tuyên bố Trung Quốc sẽ ‘cương quyết bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ’.

Các quốc gia hiện tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông như Việt Nam và Philippines không tham dự diễn đàn.

Báo chí Việt Nam đưa tin về sự kiện này nhưng không đề cập tới sự vắng mặt của đại diện chính quyền Hà Nội.

Nếu không bảo vệ được dân, ngư dân người ta thì khó mà chấp nhận được.
Nhà sử học Nguyễn Nhã nói.
Ông Dương Danh Dy cho rằng việc làm của Hà Nội và Manila ‘cho thấy nhiều điều’.

Nhà ngoại giao kỳ cựu nói: “Cái đó nó cũng thể hiện rõ quan điểm của một số nước trực tiếp bị Trung Quốc đụng chạm và đe dọa ở lãnh hải. Họ có thái độ rõ ràng còn gì nữa. Người ta không muốn dự hội nghị này vì sẽ lại đấu tranh, gặp gỡ nhau, nhiều chuyện lắm”.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos là một trong những người khởi xướng Diễn đàn châu Á Bác Ngao những năm 90 nhằm mục đích ‘chia sẻ tầm nhìn về mọi vấn đề trong khu vực và trên thế giới’.

Nhưng giới quan sát nhận định rằng Bắc Kinh muốn biến sự kiện hàng năm này ‘thành một công cụ đa phương mạnh mẽ, giúp thay đổi trật tự thế giới’.

Tường thuật này sẽ được phát sóng trong chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào lúc 10 giờ tối (giờ Hà Nội) ngày 13/4 trên mạng Internet tại địa chỉ: www.voatiengviet.com. Mời quý vị đón nghe. Xin chân thành cám ơn quý vị.

Các tường thuật liên quan đã phát trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':

Chủ tàu bị Trung Quốc bắn ở Hoàng Sa ‘sẽ lại ra khơi’

Dân biểu Mỹ lo ngại tinh thần dân tộc quanh vấn đề biển Đông

Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, bài học nào cho Việt Nam?