Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ lần này thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận quốc tế với các cuộc biểu tình kêu gọi Bắc Kinh từ ngưng quân sự hóa Biển Đông, tôn trọng luật quốc tế về chủ quyền lãnh hải, kinh tế, thương mại, đến…thôi ăn thịt chó.
Thỉnh nguyện thư trên trang Care2Petitions được khởi xướng nhân dịp ông Tập Cận Bình họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida trong hai ngày 6 và 7 tháng này thúc giục Chủ tịch Trung Quốc cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó trong Lễ hội Ngọc Lâm vào ngày 21/6 tới đây, nói riêng, và chấm dứt việc mua bán thịt chó tại Trung Quốc, nói chung, để luật lệ hóa và thực thi Luật Chống Đối xử tàn bạo với Động vật.
Thư viết: “Chúng tôi là những người nước ngoài tôn trọng văn hóa và nhân dân Trung Quốc. Lễ hội Ngọc Lâm được quảng bá là lễ hội văn hóa, hoàn toàn không đúng như vậy. Lễ hội được khởi xướng bởi những người buôn bán thịt chó vào năm 2010 để thúc đẩy doanh số thịt chó suy giảm. Không thể sử dụng văn hóa để biện minh cho kỹ nghệ mua bán tàn bạo.”
Những người khởi xướng chiến dịch nói trong Lễ hội thường niên kéo dài 10 ngày ở Khu tự trị Dân tộc Tráng Quảng Tây này, khoảng 15 ngàn con chó bị tra tấn và giết hại. Đa số là những chú khuyển bị đánh cắp hay những chú chó hoang. Chúng bị nhốt chen chúc vào các lồng sắt, bị bỏ đói nhiều ngày trong suốt thời gian được vận chuyển trước khi được giao tới các lò mổ mất vệ sinh, chờ bị đưa lên thớt.
Các nhà hoạt động bảo vệ động vật cho biết vì tâm lý cho rằng thịt những con chó bị tra tấn sẽ mềm hơn, tăng thêm khẩu vị, nên các chú chó này luôn bị đánh đập, bị treo ngược, bị thọc tiết và bị lột da hay đun sống.
Thỉnh nguyện thư yêu cầu Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco (California) ủng hộ lời kêu gọi của họ gửi tới lãnh đạo khu vực Ngọc Lâm, lãnh đạo đảng ở Quảng Tây, và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giữa năm ngoái, một thỉnh nguyện thư gồm 11 triệu chữ ký yêu cầu chấm dứt Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm đã được đệ trình nhưng bị bác tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở London.
Một quy định hồi năm 2011 của Bộ Nông Nghiệp yêu cầu mỗi con chó được vận chuyển từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác phải có giấy phép, nhưng nạn vận chuyển lậu và buôn bán, tiêu thụ thịt chó ở Trung Quốc vẫn tràn lan.
Thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình dịp ông tới Mỹ lần này nhấn mạnh lời kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó là vì an toàn công cộng, an toàn thực phẩm, đạo đức xã hội, và danh tiếng của Trung Quốc.