Chủ tịch Trung Quốc chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ tại APEC khi ông Trump sắp nắm quyền trở lại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Peru Dina Boluarte tại một buổi lễ tại dinh chính phủ ở Lima, 14/11/2024 (ERNESTO BENAVIDES / AFP).

Tại hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru, vào lúc ông Donald Trump sắp quay trở lại chức tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm thứ Sáu 15/11 rằng chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ cần phải bị bác bỏ và thay vào đó là ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế.

Lời chỉ trích của ông Tập về chủ nghĩa bảo hộ tại APEC hé lộ việc Trung Quốc sẽ chuẩn bị ra sao một khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Ông Trump đã cam kết áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc ở mức trên 60%, nhưng Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc đang hy vọng rằng các chính sách bảo hộ của ông cũng sẽ khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á khó chịu - tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và cải thiện quan hệ thương mại.

Trong bài diễn văn trước các giám đốc điều hành doanh nghiệp, được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đọc thay hôm 15/11 tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC, ông Tập cho rằng toàn cầu hóa kinh tế đang phải đối mặt với "những dòng chảy ngược", nhưng không chỉ đích danh quốc gia hoặc nhà lãnh đạo nào.

"Thế giới đã bước vào một giai đoạn mới gồm những xáo trộn và thay đổi, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới đã gia tăng", ông Tập nhận xét.

"Cản trở hợp tác kinh tế với những cái cớ khác nhau, đòi cô lập thế giới phụ thuộc lẫn nhau, đang đảo ngược tiến trình lịch sử", ông nói thêm.

Ông Tập nêu ra một loạt các biện pháp gần đây mà chính phủ Trung Quốc đã thực hiện để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm tăng số lượng các ngành của Trung Quốc có thể tiếp nhận đầu tư nước ngoài, cũng như miễn thị thực đơn phương cho người nước ngoài đến Trung Quốc.

"Trung Quốc sẽ thực hiện thêm nhiều chính sách mở cửa độc lập và đơn phương, mở rộng mạng lưới các khu thương mại tự do tiêu chuẩn cao hướng ra thế giới và mở rộng hơn nữa cánh cửa đi vào Trung Quốc", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng lời chào mời của Bắc Kinh quảng bá Trung Quốc như là sự thay thế hoặc là một đối trọng với nước Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ do ông Trump lãnh đạo giờ đây không còn hấp dẫn như năm 2016, khi ông Trump lần đầu tiên đắc cử.

Ja Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng không giống như năm 2016, hiện nay có nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế về cách thức nhà nước Trung Quốc trợ cấp cho các ngành công nghiệp và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của nước này ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia khác.

Nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay ít cởi mở hơn nhiều so với trước đây, Chong nói.