Chủ tịch Tập: Quân đội Trung Quốc phải nhỏ gọn nhưng có năng lực cao

Tư liệu- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Bảy dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng lực lượng vũ trang của Trung Quốc phải nhỏ gọn nhưng phải có năng lực cao hơn, và nếu cải cách không được thực hiện một cách thỏa đáng thì quân đội nước này có nguy cơ tụt hậu, ảnh hưởng đến khả năng tiến hành chiến tranh.

Ông Tập hồi tháng 9 năm ngoái bất ngờ loan báo ông sẽ cắt giảm khoảng 300.000 binh sĩ, tức khoảng 13 phần trăm quân đội lớn nhất thế giới, hiện có 2,3 triệu binh sĩ.

Quyết định cắt giảm được đưa ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng ở Trung Quốc trong khi tăng trưởng đang chậm lại và giới lãnh đạo đang chật vật với những cải cách kinh tế đau đớn. Vào tháng 10, hàng trăm cựu chiến binh đã biểu tình phản đối tại Bắc Kinh.

Cắt giảm binh sĩ là một phần trong những cải cách rộng hơn để hiện đại hóa quân đội, rời xa mô hình chỉ huy cũ kỹ thời Soviet và chú trọng nhiều hơn vào những loại vũ khí công nghệ cao như máy bay tàng hình.

Phát biểu tại một hội nghị kéo dài hai ngày về cải cách quân sự, ông Tập cho biết quân đội không bao giờ được đi theo lối mòn nữa mà cần phải thay đổi theo thời gian.

"Nếu không, những lực lượng vũ trang một thời hùng mạnh sẽ trở nên lỗi thời, hoặc thậm chí lụn bại với một cú giáng duy nhất," ông Tập nói trong những phát biểu được cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã dẫn lại.

"Lịch sử và thực tế cho chúng ta thấy rằng một quân đội, nếu tụt hậu về quy mô và sức mạnh, thì sẽ tụt hậu về binh pháp và những phát triển trong việc tiến hành chiến tranh, có lẽ đánh mất tính chiến lược và quyền khởi chiến," ông nói thêm.

Ông Tập nói quân đội Trung Quốc cần phải tập trung vào công nghệ hơn là sức mạnh số đông.

"Đây là thay đổi lớn không thể tránh khỏi," ông Tập nói tại hội nghị. "Chúng ta phải nắm bắt cơ hội và tạo nên những bước đột phá."

Quân đội Trung Quốc chưa tiến hành chiến tranh trong mấy thập kỷ qua và chính phủ khẳng định họ không có ý đồ thù địch mà đơn giản chỉ cần năng lực để bảo vệ đất nước - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng Trung Quốc đang khơi lên lo ngại khắp khu vực với lập trường ngày càng quyết đoán ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng bao gồm hàng không mẫu hạm và phi đạn chống vệ tinh.