Chính phủ Trung Quốc hy vọng Hong Kong sẽ chống đối độc lập, một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản nói hôm thứ Ba trong một cuộc gặp gỡ với một nhóm ủng hộ Bắc Kinh đến từ trung tâm tài chính này ở phía nam.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại về một phong trào đòi độc lập non trẻ ở cựu thuộc địa này của Anh được trao lại cho đại lục cai quản vào năm 1997 với lời hứa về quyền tự chủ, và những cuộc biểu tình hồi gần đây trong thành phố.
Phát biểu của ông Trương Đức Giang, quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc chịu trách nhiệm về sự vụ của Hong Kong, được đưa ra sau khi Bắc Kinh nêu kiến giải hiếm hoi của mình đối với bản hiến pháp mini của Hong Kong, Luật Cơ bản, trong tháng này mà trên thực tế là để ngăn chặn những nhà lập pháp ủng hộ độc lập của thành phố này nhậm chức ở đó.
Chính phủ Trung Quốc "hy vọng đồng bào Hong Kong có thể chống đối một cách rõ ràng sự độc lập của Hong Kong, cùng nhau giữ gìn sự ổn định xã hội và chính trị của Hong Kong" và "huy động tình cảm của quần chúng để mưu tìm sự phát triển và thúc đẩy sự hài hòa," ông Trương nói với một phái đoàn từ một tổ chức có tên là Silent Majority for Hong Kong.
Ông Trương, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc và là nhân vật cao cấp thứ ba của Đảng Cộng sản, nói với nhóm này tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ những lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh và sự phát triển của mình.
Tòa án Tối cao của Hong Kong trong tháng này đã ủng hộ một yêu cầu của chính phủ ngăn chặn hai nhà lập pháp mới được bầu vào cơ quan lập pháp của thành phố hồi gần đây, sau khi cả tòa án và Bắc Kinh đều phán quyết rằng họ đã xúc phạm Trung Quốc bằng những cử chỉ phản đối khi tuyên thệ nhậm chức.
Trước phán quyết, khoảng 2.000 luật sư đã phản đối việc Bắc Kinh can thiệp và đưa ra kiến giải của mình đối với hiến pháp mini của Hong Kong giữa vụ kiện tụng. Họ nói điều này can thiệp với sự độc lập tư pháp.
Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước nói với Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh rằng ông nên giữ vững sự đoàn kết quốc gia và duy trì sự ổn định xã hội và chính trị.
Trước đó trong tháng 11, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình li khai.
Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc theo thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ" bảo đảm những quyền tự do và quyền tự chủ rộng rãi cho lãnh thổ này, bao gồm một hệ thống tư pháp riêng.
Nhưng nhà cầm quyền Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát cuối cùng, và một số người Hong Kong lo ngại rằng Bắc Kinh đang can thiệp ngày càng nhiều để dập tắt quan điểm bất đồng.