Chủ tịch Việt Nam yêu cầu kiểm tra lại vụ tử tù Văn Hiến

Chủ tịch Việt Nam yêu cầu xem xét lại trường hợp tử tù Đặng Văn Hiến, 17/7/2018

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phối hợp với Bộ Công an “chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến” và báo cáo lại với ông, theo thông tin do cổng thông tin điện tử của chính phủ công bố hôm 17/7.

Các trang thông tin chính thức của chính phủ nói “có nhiều ý kiến khác nhau và nhiều đơn thư” gửi đến chủ tịch Quang về bản án tử hình mà hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên lần lượt vào đầu tháng 1 và đầu tháng 7 năm nay đối với ông Hiến.

Người đàn ông 47 tuổi này đã bắn chết 3 người hồi cuối tháng 10/2016, khi một công ty tư nhân có tên là Long Sơn đưa hơn 30 người đến san ủi trái luật vườn điều của nhà ông và một số hộ dân khác tại một xã ở tỉnh Đắc Nông.

Trong đơn xin giảm án gửi đến chủ tịch nước và một số cơ quan liên quan, tử tù Hiến lý giải rằng hành động của ông là do “bức xúc” khi thấy người của công ty Long Sơn “phá tài sản của gia đình”, đẩy họ đến nguy cơ “phải ra đường sống”.

Trong suốt thời gian kể từ khi xảy ra vụ việc cho đến phiên tòa gần đây nhất, phần đông dư luận và nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội nhìn chung thể hiện quan điểm rằng họ có thể hiểu được vì sao ông Hiến phạm tội và mong muốn lãnh đạo Việt Nam xem xét để ông không phải chết.

Tính đến tối 17/7, khoảng 4.700 người đã ký ủng hộ đơn kiến nghị giảm án tử hình cho ông Hiến. Đơn kiến nghị công khai do các luật sư bào chữa cho ông Hiến soạn, được đăng lên trang hopecom.org hôm 15/7.

Xử phúc thẩm vụ nông dân Đặng Văn Hiến

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, một trong những luật sư bào chữa cho ông Hiến, viết trên Facebook cá nhân hôm 17/7 rằng ông “cảm ơn” Chủ tịch Trần Đại Quang đã “lắng nghe chúng tôi và dư luận”.

Luật sư Quynh cho biết thêm là bà Mai Thị Khuyên, vợ tử tù Hiến, đang ở thủ đô Hà Nội gửi đơn xin ân giảm cho chồng cũng đã biết tin và “xúc động bật khóc cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.

Vụ án xảy ra là đỉnh điểm của tranh chấp đất âm ỉ giữa công ty Long Sơn và những người dân kể từ năm 2008, khi chính quyền tỉnh Đắc Nông cho công ty này thuê một khu vực gọi là “đất rừng”. Nhưng một số hộ dân, trong đó có gia đình ông Hiến, khẳng định họ đã xâm canh tại một phần của khu vực đó nhiều năm trước khi công ty Long Sơn được giao đất.

Luật sư bào chữa Nguyễn Văn Quynh nói với VOA rằng thay vì thương lượng với các hộ dân, việc công ty Long Sơn tự ý “cưỡng chế” đất hồi cuối tháng 10/2016 là “trái pháp luật”.

Dẫn lại lời khai của ông Hiến và lời kể của người dân địa phương, luật sư này nói thêm rằng trong các năm trước khi vụ bắn chết người xảy ra, công ty Long Sơn thường xuyên thuê những thành phần “côn đồ”, “xã hội đen” hành hung, phá hoại cuộc sống của các hộ dân ở khu vực tranh chấp, làm họ rất “bức xúc”, “căm phẫn”.

Theo luật sư, ông Hiến và các hộ dân đã khiếu kiện với chính quyền địa phương và thậm chí ra Hà Nội nộp đơn, nhưng không được xem xét giải quyết.

Hành động của ông Hiến bắn súng vào những người của công ty Long Sơn được luật sư Quynh xem là giọt nước tràn ly trước hành xử mang tính “áp bức”, “vô pháp luật” của công ty này, trong khi chính quyền địa phương “thờ ơ, thiếu tránh nhiệm”.

Trên mạng xã hội, những người ủng hộ đơn xin ân giảm cảnh báo rằng nếu bản án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến được thi hành, điều đó sẽ dẫn đến ít nhất hai hậu quả lớn.

Theo họ, một là những người phạm tội sẽ không có động lực ra đầu thú, thay vào đó, họ sẽ bằng mọi cách trốn tránh, chống đối đến cùng để khỏi bị bắt. Hai là các nhóm lợi ích vốn có thể thao túng được giới có quyền lực sẽ càng mạnh bạo thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc chiếm đất, đẩy người dân yếu thế đến đường cùng.

Điều này dẫn đến nguy cơ là các bên ngày càng sử dụng nhiều bạo lực để giải quyết các tranh chấp đất đai, đồng nghĩa là hỗn loạn có thể bùng phát.