Chủ nông trại Mỹ ủng hộ cải tổ di trú

Hầu hết lực lượng lao động trong các nông trại tại Hoa Kỳ là các di dân Châu Mỹ La Tinh bất hợp pháp, tuy có một chương trình về các công nhân nước ngoài cho phép những công nhân này đến làm việc hợp pháp tại Mỹ.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài tường trình


Cải tổ di trú sẽ trở lại trong nghị trình của Quốc hội mới của nước Mỹ, sau một cuộc bầu cử mà Tổng thống Obama được các cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh ủng hộ để đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Hầu hết lực lượng lao động trong các nông trại tại Hoa Kỳ là các di dân Châu Mỹ La Tinh bất hợp pháp, tuy có một chương trình về các công nhân nước ngoài cho phép những công nhân này đến làm việc hợp pháp tại Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động lại cho rằng những công nhân di trú làm việc trong các nông trại bị vi phạm nhân quyền. Trong chuyên mục Câu chuyện nước Mỹ tuần này, mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua bài tường trình của Thông tín viên Đài VOA Steve Baragona và Mana Rabiee.

Mùa thu hoạch thuốc lá tại bang North Carolina năm nay đã đến sớm. Thật vậy, mùa thu hoạch đã đến sớm hơn các công nhân từ Mexico được trại chủ Bill Carter thuê để thu hoạch.

Ông Carter nói: “Mùa vụ tất cả đã xong hết rồi trừ việc thu hoạch, và không có nhân công để mang về kho.”

Đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Ông Carter nói ông mất thuốc lá, mất lợi tức. Ông đã thuê mướn công nhân một cách hợp pháp qua chương trình visa H-2A cho công nhân làm việc tại các nông trại. Ông phải ấn định ngày những công nhân này bắt đầu nhận việc trước nhiều tháng. Tuy nhiên thời tiết không luôn luôn theo đúng thời khóa biểu của ông.

Rủi ro mất mùa là một trong những lý do các chủ nông trại không sử dụng chương trình này. Tuy nhiên đây cũng không phải là lý do duy nhất. Ông Lee Wicker thuộc Hiệp hội những người Trồng trọt North Carolina hay còn gọi là N-C-G-A nói:

“Nói cho đúng ra là hệ thống visa H-2A thật phức tạp.”

Ông Wicker nói những qui luật và thủ tục giấy tờ làm nhiều người nản chí. NCGA phải tốn 1.000 đô la cho mỗi công nhân về thủ tục giấy tờ.

Ông Wicker nói ông đã cảnh báo những người chủ nông trại là hệ thống visa H-2A phức tạp và tốn kém.

“Nếu bạn có cách thu hoạch mùa màng mà không cần đến chương trình H-2A thì cứ làm nếu có thể được.”

Hầu hết các chủ nông trại làm theo lời khuyên của ông Wicker. Con số thống kê của chính phủ cho thấy các công nhân thuộc diện H-2A chỉ chiếm 10% lực lượng lao động trong các nông trại.

Các chủ nông trại nói họ muốn thuê các công nhân hợp pháp, nhưng người Mỹ dường như không muốn làm việc này. Vào năm 2007, Văn phòng Nông trại North Carolina cố gắng tuyển mộ nhân công qua quảng cáo trên đài phát thanh và số điện thoại miễn phí. Ông Larry Wooten, chủ tịch tổ chức này nói:

“Ai muốn làm việc trong nông nghiệp, xin gọi chúng tôi ở số điện thọai miễn phí này. Chúng tôi sẽ tìm cho bạn một công việc trong lãnh vực nông nghiệp. Và chúng tôi chỉ nhận được có ba cú điện thoại.”

Ông Eric Ruark thuộc Liên đoàn Cải tổ Di trú Hoa Kỳ nói đó là vì lương bổng trong các nông trại quá thấp.

Ông nói thêm là quyền của những công nhân Mỹ và công nhân di dân được bảo vệ tốt hơn nếu các chủ nông trại sử dụng chương trình H-2A:

“Nếu bạn có thể không gặp rắc rối trong việc không sử dụng chương trình H-2A, và thuê người nào đó..bạn không phải trả lương khá cho họ, bạn không phải cung cấp cho họ thứ này thứ kia. Chúng tôi thấy đây là lý luận rất đơn giản. Và các trại chủ cũng thấy đây là một lý luận đơn giản. Nhưng việc này không chấp nhận được. Và việc này không chỉ là bất hợp pháp mà còn là một hành vi thiếu đạo đức.”

Ông Billy Carter nói ông thuê những công nhân H-2A vì dù có nhiều khuyết điểm, ông có nguồn cung cấp các công nhân tốt, hợp pháp và đáng tin cậy. Và ông có đủ khả năng thuê những công nhân này cho vụ mùa có giá trị cao của ông.

Tuy nhiên ông nói là việc này không thực hiện được đối với các chủ trại khác và Quốc hội cần phải hành động để điều chỉnh lại.

“Đây cũng như một trận đấu bóng bầu dục chính trị, và có những mối quan tâm chính đáng của cả hai bên của phương trình, và ở thời điểm này không giải quyết được, và chắc chắn không giải quyết được trong ngắn hạn.”

Trong khi đó những tổ chức bênh vực và giúp đỡ công nhân di dân làm việc trong các nông trại phàn nàn là họ đã bị ngăn trở trong việc tiếp xúc với các công nhân này.

Bà Nora Rivero, sanh quán tại Colombia, là một phụ tá luật sư làm việc với Tổ chức Trợ giúp Pháp lý Maryland tại Baltimore. Bà và đồng nghiệp là luật sư Nathanial Norton đi thăm những công nhân di dân thu hoạch rau quả cư ngụ trong các nông trại và giảng giải cho họ biết về những quyền lợi của mình. Bà nói:

“Khi tôi đi thăm các công nhân đã phải chịu đựng tám hay chín tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời gay gắt và thấy những điều kiện sống họ trải qua, tôi rất đau lòng.”

Bà Rivero và luật sư Norton thường lái xe đến quận Caroline, Maryland nơi có nhiều nhà trồng trọt độc lập trồng bắp, đậu nành và dưa đỏ cantaloup. Tuy nhiên vào các nông trại này không dễ dàng.

Luật sư Norton và bà Rivero nói các chủ trại thường đe dọa khi họ tiếp xúc với công nhân di dân. Một chủ trại vung gậy bóng chày dọa bà Rivero, một trại chủ khác và người con trai dọa bắn ông Norton.

Ông Norton nói: “Họ ra khỏi xe tải nhỏ của họ và đến cửa xe tôi bắt đầu la hét một cách giận giữ. Một trong những câu trại chủ này nói là 'Các người có thể là những người ăn cắp. Tôi có quyền bắn những người vào đất của tôi.'"

Trên toàn nước Mỹ, những nhân viên làm công tác xã hội tiếp xúc với công nhân di dân cũng kể những câu chuyện tương tự về việc bị các trại chủ đe dọa. Mục đích của các trại chủ là làm cho các nhà hoạt động không tiếp xúc được với những công nhân nghèo khổ làm việc trong các nông trại để giúp đỡ họ.

Một nữ y tá tại Maryland làm công tác xã hội giúp các công nhân di dân cũng gặp nhiều vấn đề. Bà chăm sóc sức khỏe cho các công nhân di dân trong một trạm xá tự dựng lấy dưới những tàng cây nơi công nhân cư ngụ.

Nữ y tá này nói bà thường xuyên bị đe dọa phải rời khỏi đất của các trại chủ. Bà nói:

“Họ thường đem cảnh sát ra dọa tôi. Họ nói sẽ mang súng săn ra sử dụng nếu tôi vào đất của họ mà không thông báo trước.”

Các nhà hoạt động giúp công nhân di dân nói những trại chủ không muốn họ vào đất của những trại chủ này vì không muốn các công nhân di dân biết là quyền của họ có bị vi phạm hay không.

Trong số các quyền dễ bị vi phạm nhất là thông báo trên giấy tờ, trong đó ghi rõ số việc làm được hứa hẹn khi công nhân được tuyển mộ ngoài tiểu bang, điều kiện ăn ở có đáp ứng được đòi hỏi tối thiểu của luật pháp hay không và trả tiền làm giờ phụ trội.

Các nhà hoạt động nói nếu những công nhân hiểu thấu đáo hơn quyền lợi của họ, họ có thể đòi được trả thù lao cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn hay có được bảo hiểm sức khỏe, tất cả việc này làm cho các trại chủ phải tốn tiền nhiều hơn.
Tuy nhiên các nhà hoạt động nhân quyền nói không cho họ vào các trang trại là bất hợp pháp.

Ông Norton nói: “Những công nhân các nông trại như những người thuê mướn các căn hộ, ngay cả trong những khu đất do các trại chủ kiểm soát, họ có quyền được tiếp khách, đặc biệt là những dịch vụ pháp lý, được tiếp các tu sĩ và bác sĩ, y tá..”

Các nhà hoạt động nói việc này không những chỉ xảy ra đối với công nhân di dân mà còn đối với công dân Mỹ nữa.

Trước đây trong năm, ông Norton và bà Rivero đến nông trại Preston, nơi một công nhân di dân, một phụ nữ 54 tuổi người Mỹ gốc châu Phi, từ Florida đến, đã từ trần.
Tuy nhiên một ít lâu sau khi ông Norton và bà Rivero đến nông trại này với một phóng viên thì người chủ nông trại nói với người đốc công là nhân viên xã hội và phóng viên phải rời khỏi nông trại.

Cộng đồng tiếp xúc với các công nhân than phiền là việc từ chối không cho vào đất của tư nhân lại cũng mở rộng đến những nơi công cộng nữa. Vào tháng 8 năm ngoái, một tổ chức bênh vực quyền của công nhân có trụ sở tại Baltimore khiếu nại là một trong nhân viên của tổ chức bị ngăn không cho tham dự một sinh hoạt công cộng về quyền của công nhân và chủ nhân.

Tổ chức Centro de los Derechos del Migrante (CDM) nói trong một thông cáo báo chí là được chính phủ Mexico, đồng bảo trợ sinh hoạt mời tham dự. Nhưng CDM cho biết một đồng bảo trợ khác là Hiệp hội Công Nghiệp Hải sản Vịnh Chesapeake nói với nhân viên của CDM là “bà không được phép tham dự sự kiện này và chỉ thị cho bà không được nói chuyện với bất cứ công nhân nào.”

CDM gọi việc này là “một ví dụ khác cho thấy các trại chủ tìm cách cô lập công nhân” và “hạn chế công nhân tiếp xúc với các thành viên khác của công đồng và những người bênh vực họ.”

Một số ít tiểu bang có luật bắt buộc cho vào những trại công nhân di dân cư ngụ, nhưng một ít bộ trưởng tư pháp tiểu bang công bố những ý kiến pháp lý đưa ra những hướng dẫn về việc cân bằng lợi ích của những công nhân di dân, khách đến thăm và trại chủ.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Nông trại Maryland nói ngành công nghiệp này không tha thứ cho việc vi phạm quyền của công nhân và các nhà hoạt động đã phóng đại vấn đề.

Ông Paul Schlegel điều hành chính sách công tại Liên đoàn Văn phòng Nông trại Hoa Kỳ nói các nhân viên xã hội đòi hỏi được hoàn toàn tự do trong việc ra vào nông trại và làm cho chủ trại phải chịu những vụ kiện gây phiền phức.

Tuy nhiên tình hình nghiêm trọng đủ để một liên minh gồm 28 tổ chức nhân quyền, trong đó tổ chức Trợ giúp Pháp lý Maryland, Trung tâm Luật Miền Nam về vấn đề nghèo khó, và công đoàn AFL-CIO đệ trình một khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 13 tháng 12. Liên minh cho rằng thiếu tiếp cận những nơi công nhân di dân cư ngụ tại các nông trại cản trở công nhân được tiếp cận với công lý, và hậu quả là “luật nhân quyền quốc tế bị vi phạm.”

Liên minh kêu gọi Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Nghèo khó cùng cực và Nhân quyền Magdalena Sepúlveda, làm áp lực lên chính phủ Hoa Kỳ để các nhân viên xã hội có thể tiếp cận tốt hơn những nơi cư trú của công nhân di dân tại các nông trại.
Trong lúc chờ đợi, luật sư Norton và bà Rivero và những tổ chức xã hội khác cảm thấy là những người họ muốn giúp vẫn còn ngoài tầm tay với.

Nữ y tá tại Maryland nói bà phải lén lút trao các loại thuốc cần thiết cho bệnh nhân. Bà nói:

“Tôi muốn có thể đi đến những nơi có nhu cầu và không phải liên tục thông báo cho ai cả, hay cố gặp mọi người tại phòng giặt ủi công cộng để trao cho họ kết quả thử máu, hay trao thuốc thay vì có thể đến thẳng nhà họ.”