Hơn 30 năm trước, Dân biểu Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã khiến chính phủ Trung Quốc nổi đoá khi xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn và giăng biểu ngữ tôn vinh những người bất đồng chính kiến thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại đây vào năm 1989.
Hôm 2/8 năm nay, với tư cách là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi đã phớt lờ những lời cảnh cáo đanh thép của Trung Quốc đặt chân tới thăm Đài Loan để ủng hộ chính phủ Đài Loan và gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền.
Chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan là cao điểm sau hàng chục năm bà là tiếng nói chỉ trích hàng đầu của Hoa Kỳ đối với chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là về các vấn đề nhân quyền và nhấn mạnh lịch sử lâu dài của Quốc hội Hoa Kỳ trong việc có quan điểm cứng rắn hơn Tòa Bạch Ốc trong việc đối phó với Bắc Kinh.
Xếp thứ hai cho vị trí Tổng thống sau Phó Tổng thống Kamala Harris, bà Pelosi đã trở thành chính trị gia cao cấp nhất của Hoa Kỳ công du Đài Loan kể từ khi nguyên Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đi thăm đảo này vào năm 1997. Bà dẫn đầu một phái đoàn gồm sáu dân biểu Hạ viện.
Năm 1991, hai năm sau cuộc đàn áp đẫm máu của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, bà Pelosi và hai nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ đã giăng một biểu ngữ tại Thiên An Môn với nội dung “Cho những người đã chết vì dân chủ ở Trung Quốc.”
Cảnh sát ập vào, buộc họ phải rời khỏi quảng trường.
Năm 2015, bà đưa một nhóm dân biểu thuộc đảng Dân chủ tới Tây Tạng, chuyến thăm đầu tiên kiểu này kể từ khi tình trạng bất ổn lan rộng hồi năm 2008. Bà Pelosi thường xuyên lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng và đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh coi là một kẻ ly khai bạo lực.
Trung Quốc coi các chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ tới Đài Loan là một tín hiệu khích lệ cho phe ủng hộ độc lập của hòn đảo. Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc về mặt pháp lý để cung cấp cho đảo này các phương tiện tự vệ.
Ông Kharis Templeman, một chuyên gia về Đài Loan tại Viện Hoover của Đại học Stanford, nhận định rằng trong chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi, 82 tuổi, sẽ tìm cách củng cố di sản của mình, đồng thời ra chỉ dấu ủng hộ Đài Loan trước áp lực từ Bắc Kinh.
“Và còn ai tốt hơn để gửi tín hiệu đó hơn là chính Chủ tịch Hạ viện? Vì vậy, bà đang ở một vị trí biểu tượng rất mạnh mẽ để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Templeman nói.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của mình. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói chuyến đi của bà Pelosi sẽ dẫn đến “những diễn biến và hậu quả rất nghiêm trọng.”
Các nhà phân tích nói phản ứng của Bắc Kinh có thể chỉ mang tính biểu tượng. Ông Scott Kennedy, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc đã cố gắng ra chỉ dấu rằng phản ứng của họ sẽ khiến Mỹ và Đài Loan khó chịu, nhưng sẽ không gây ra chiến tranh.”
Quan điểm cứng rắn trong Quốc hội Mỹ
Quốc hội Mỹ lâu nay có quan điểm cứng rắn hơn so với Tòa Bạch Ốc trong vấn đề Đài Loan, cho dù là phe Dân chủ, chẳng hạn như Tổng thống Joe Biden và bà Pelosi, hay đảng Cộng hòa nắm quyền.
Đảng Cộng hòa ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi. Dân biểu Michael McCaul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói với NBC News: “Bất kỳ dân biểu nào muốn đi cũng nên đi. Điều đó thể hiện sự răn đe chính trị đối với Chủ tịch Tập”. Ông McCaul nói ông được mời tham gia chuyến đi châu Á của bà Pelosi nhưng không thể thực hiện được.
Hành pháp Mỹ chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách đối ngoại nhưng quan hệ với Đài Loan là một lĩnh vực mà Quốc hội muốn có ảnh hưởng. Đạo luật Quan hệ Đài Loan, đạo luật định hướng các mối quan hệ từ năm 1979, được Quốc hội thông qua với đa số áp đảo sau khi các nhà lập pháp bác đề nghị của Tổng thống Jimmy Carter lúc bấy giờ là quá yếu.
Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ đang làm việc trên một dự luật sẽ sửa đổi chính sách đó, bao gồm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan và mở rộng vai trò của Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế.
Chuyến đi của bà Pelosi và phản ứng của Bắc Kinh đã thúc đẩy Tòa Bạch Ốc một lần nữa bày tỏ rằng họ không muốn thay đổi nguyên trạng, kể cả trong cuộc điện đàm giữa ông Biden với ông Tập vào tuần trước.
Tháng trước, ông Biden công khai nghi ngờ về sự khôn ngoan của chuyến đi, trong một lần cách biệt hiếm thấy với bà Pelosi, một đồng minh thân cận.
“Theo tôi, quân đội cho rằng đây không phải là một ý kiến hay lúc này,” ông Biden nói với các phóng viên.
Trước chuyến đi, văn phòng của bà Pelosi không loại trừ hoặc xác nhận về chuyến thăm, với lý do lo ngại về an ninh thường xảy ra đối với các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ.
Bà Pelosi hôm 31/7 loan báo dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội tới Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản để “tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và không thể lay chuyển của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè của chúng ta trong khu vực.”
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã hạ giảm nguy cơ quân đội Trung Quốc can thiệp vào chuyến thăm của bà Pelosi, nhưng họ lo ngại rằng một vụ tai nạn có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Bà Pelosi hạ cánh ở Đài Loan trong lúc Trung Quốc cho máy bay chiến đấu vần vũ đường phân chia eo biển Đài Loan hôm 2/8.