Đường dẫn truy cập

Pence: Mỹ sẽ duy trì quan hệ với Đài Loan và chính sách Một Trung Quốc


Đại diện của Đài Loan tại APEC Trương Trung Mưu (trái) hội kiến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trên một du thuyền bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, ngày 17 tháng 11, 2018, ở Port Moresby.
Đại diện của Đài Loan tại APEC Trương Trung Mưu (trái) hội kiến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trên một du thuyền bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, ngày 17 tháng 11, 2018, ở Port Moresby.

SINGAPORE — Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm thứ Bảy nói rằng Washington sẽ tiếp tục duy trì "Đạo luật Quan hệ Đài Loan" và "Chính sách Một Trung Quốc" sau cuộc hội kiến giữa ông với Trương Trung Mưu, đại diện của Đài Loan tại diễn đàn kinh tế khu vực ở Papua New Guinea.

Ông Pence gặp ông Trương bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) hôm thứ Bảy tại Port Moresby, cuộc họp song phương bên lề đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và một phái viên của Đài Loan trong các hội nghị kinh tế khu vực cao cấp trong những năm qua.

Ông Pence không có kế hoạch tổ chức một cuộc họp song phương riêng biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang dự APEC, theo các quan chức Mỹ.

Điều này được xem như một sự phản ánh chính sách quyết đoán của Mỹ đối với Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là lãnh thổ của mình. Các nhà phân tích cho rằng việc củng cố quan hệ Mỹ-Đài Loan không phải là điều gây xích mích trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì Đạo luật Quan hệ Đài Loan và Chính sách Một Trung Quốc. Đài Loan là thành viên của APEC có tư cách chính đáng," ông Pence nói với đoàn phóng viên tháp tùng hôm thứ Bảy.

Khác biệt mong manh giữa "Chính sách Một Trung Quốc" của Washington và "Nguyên tắc Một Trung Quốc" của Bắc Kinh là lập trường của Mỹ để ngỏ khả năng một giải pháp tương lai có thể được xác định một cách hòa bình bởi cả Trung Quốc lẫn Đài Loan.

"Cuộc trò chuyện với họ là về vấn đề kinh tế," ông Pence nói. "Họ trình bày lập luận vì sao họ nên được cân nhắc cho tham gia một thỏa thuận thương mại tự do, và tôi bảo đảm với họ là chúng tôi sẽ truyền đạt lại sự quan tâm đó."

Trong một dòng tweet, chính phủ Đài Loan nói cuộc hội đàm Mỹ-Đài Loan "sẽ củng cố các kết nối khu vực trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và định hình tương lai kĩ thuật số."

"Vì Đài Loan là thành viên đầy đủ của APEC nên không có gì bất thường khi có các cuộc gặp gỡ giữa trưởng phái đoàn của Mỹ và Đài Loan, nhưng với chính sách yếu kém của các chính quyền Mỹ trước đây, cuộc gặp gỡ này được xem là một bước đột phá," Steve Yates, cố vấn cao cấp của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, nói.

"Gặp gỡ người đứng đầu phái đoàn Đài Loan không phải là một bước đi chống Trung Quốc hoặc hung hăng," ông Yates nói với VOA trong một email. "Việc này là một sự khẳng định tích cực về những lợi ích và giá trị của Đài Loan nhất quán với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh của Mỹ."

Trung Quốc chưa bình luận gì về cuộc gặp gỡ của ông Pence và ông Trương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp ông Trương vào năm ngoái, theo ông Pence. Ông Trương là người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và công ty này sẽ tiếp tục là nhà cung cấp duy nhất các chip sê-ri A của hãng Apple trong năm 2019.

Các nhà phân tích khác nói một mối quan hệ khắng khít giữa Mỹ và Đài Loan không nên được xem như một nguồn cơn gây xích mích trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

"Tôi không nghĩ rằng cuộc họp này nên bị phóng đại. Tôi thấy rất nhiều sự nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Tôi hi vọng sẽ có tiến bộ cụ thể hơn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Đài Loan. Những cử chỉ mang tính biểu tượng là chưa đủ," Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson, Michael Pillsbury, nói với VOA rằng ông Pence, bằng việc mô tả những rắc rối trong quan hệ Mỹ-Trung, đã không "tự kiểm duyệt mình" và đang đưa ra "chỉ trích mang tính xây dựng."

"Đài Loan có vai trò quan trọng," ông Pillsbury nói. "Tôi nghĩ đã đến lúc xem xét lại lịch sử mới, tất cả các khía cạnh của quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm Đài Loan và chính sách ‘Một Trung Quốc’ của chúng ta."

Thông tín viên Nhà Trắng Patsy Widakuswara đóng góp vào bản tin này từ Papua New Guinea.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG