Sự tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 đã được cân bằng bởi một sự gia tăng có tính chất kịch tích của kim ngạch nhập khẩu, làm cho khoản xuất siêu có tính chất nhạy cảm của Trung Quốc trên trường quốc tế giảm tới mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.
Xuất siêu của tháng 1 là 6 tỉ 500 triệu đô la, so với con số 13 tỉ đô la của tháng 12. Xuất khẩu tăng 38%, nhưng nhập khẩu tăng tới 51%.
Mặc dù vậy, các số liệu vừa kể có thể không đủ để làm im tiếng những người chỉ trích – những người vẫn thường nói rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này đã có được qua việc gây ra thiệt hại cho những nước khác.
Kinh tế gia Jinny Yan của Ngân hàng Standard Chartered ở Thượng Hải nói rằng những số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm cách cân bằng nền kinh tế của họ, hướng tới mục tiêu gia tăng mức tiêu thụ trong nước. Nhưng ông nói thêm rằng những số liệu thương mại có tính chất giao động và xuất khẩu có xu hướng gia tăng sau những tháng đầu năm vì các công ty nước ngoài sẽ gia tăng số đơn đặt hàng.
Ông Yan cho biết: "Khi năm mới bắt đầu, rõ ràng là các nhà sản xuất đã gia tăng số lượng tồn kho và tích trữ nguyên vật liệu. Trong ngày hôm nay chúng tôi cũng được xem một bản phúc trình tạm về lượng quặng sắt nhập khẩu. Những số liệu này cho thấy là trong một hoặc hai tháng chúng ta có thể có mức xuất siêu bị thu hẹp, tương tự như tình hình của cùng khoảng thời gian này năm ngoái, khoảng tháng ba và tháng tư."
Bên cạnh đó, nhiều công xưởng đã đóng cửa trong nhiều ngày hồi tháng giêng trước dịp Tết Âm lịch.
Kinh tế gia Tống Hồng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thương mại Quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, tán đồng ý kiến cho rằng những số liệu vừa kể không báo hiệu cho một xu thế lâu dài.
Ông Tống Hồng nói rằng những số liệu vừa kể không đủ để chứng tỏ một sự thay đổi lớn. Ông cho rằng Trung Quốc vẫn còn ở trong giai đoạn công nghiệp hóa và tất cả các khu vực công nghiệp, đặc biệt là những công nghiệp đòi hỏi nhiều tư bản, vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và khuyếch trương.
Tuy có sự nhận định dè dặt như vật, những số liệu này mang lại cho Trung Quốc một yếu tố thuận lợi về mặt tượng trưng trước khi diễn ra cuộc họp của khối G20 trong tuần này, qui tụ các vị bộ trưởng tài chánh của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới.
Nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu, than phiền rằng Trung Quốc cố tình giữ cho tỉ giá đồng nguyên ở mức thấp để làm cho hàng xuất khẩu được rẻ hơn. Họ cũng than phiền về những hạn chế nhập khẩu mà họ nói là làm cho các công ty nước ngoài khó cạnh tranh ở Trung Quốc.
Trung Quốc nói rằng họ đang để cho đồng nguyên tăng giá dần, và họ tuân hành những nghĩa vụ về nhập khẩu theo qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đã ngần ngại không muốn để cho đồng nguyên tăng giá mạnh vì họ e rằng xuất khẩu sút giảm có thễ dẫn tới rối loạn xã hội nếu hãng xưởng sa thải công nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhiều lần tuyên bố là họ đang tìm cách chuyển hướng sang tiêu thụ quốc nội để phát triển kinh tế.
Một số kinh tế gia nói rằng sự tăng trưởng của xuất khẩu và nhập khẩu là dấu hiệu tốt cho kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới. GDP của Trung Quốc đã tăng với tỉ lệ hơn 10% trong năm vừa qua và giúp cho nước này qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới.
Lượng nhập khẩu nhiều hơn dự kiến đã làm cho xuất siêu của Trung Quốc sút giảm trong tháng Giêng vừa qua. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên VOA Peter Simpson tại Bắc Kinh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng thặng dư mậu dịch của Trung Quốc sẽ không tiếp tục sút giảm.