Một tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ trích Trung Quốc về những vụ bắt giữ và mất tích trong những tháng gần đây.
Thành viên của một nhóm thuộc Liên Hiệp Quốc, chuyên theo dõi các vụ mất tích ngoài ý muốn hoặc ép buộc, nói họ đã nhận được nhiều phúc trình về công dân Trung Quốc mất tích.
Nhóm này nói những người bị nghi là bất đồng chính kiến đã bị đưa đến những nơi giam giữ bí mật và thường bị tra tấn hay đe dọa. Một khi được thả, những người này thường được đặt trong tình trạng gọi là “giam giữ một cách êm ái” và bị cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Nhóm này nói đặc biệt là nhiều luật sư, những nhà hoạt động nhân quyền và sinh viên thường bị giam giữ, và trong một vài trường hợp chuyện này đã xảy ra từ lâu.
Điển hình là trường hợp mất tích của Gedhun Chaekyi Nyima, hay thường được gọi là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, một khuôn mặt tôn giáo Tây Tạng. Ông này mất tích vào năm 1995 khi mới 6 tuổi. Nhà cầm quyền Trung Quốc công nhận bắt ông những không bao giờ nói ông ở đâu.
Tuyên bố của nhóm được công bố hôm thứ Sáu diễn ra cùng ngày với phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thành tích nhân quyền của Trung Quốc có hướng tiêu cực.
Phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Trung Quốc gia tăng những nỗ lực hạn chế tự do ngôn luận và làm im tiếng những chỉ trích về sự cai trị của Đảng Cộng Sản. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Sáu yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động xã hội đang bị giam giữ.
Bà Clinton quan tâm về việc Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến trong năm nay, những nhà hoạt động nhân quyền nói chiến dịch này nhằm ngăn chặn những cuộc biểu tình dân chủ ở Trung Đông lây sang Trung Quốc.