Trung Quốc kiên quyết xúc tiến các chương trình năng lượng hạt nhân

  • Stephanie Ho

Một sĩ quan cảnh sát đặc biệt đứng canh gác tại công trường xây dựng của Nhà máy điện hạt nhân Sanmen ở Sanmen, phía đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên quyết xúc tiến các chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng, bất chấp khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại Nhật. Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang rất cần năng lượng hạt nhân vì số cầu về năng lượng của họ tiếp tục gia tăng, và cần kết hợp với nỗ lực hạ giảm khí thải nhà kính.

Tầm nhìn về hạt nhân của Trung Quốc rất rõ ràng. Có tất cả 13 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại Trung Quốc. Tuần trước Hiệp Hội Nguyên Tử Thế Giới cho biết Trung Quốc có hơn 25 lò năng lượng hạt nhân đang được xây dựng và nhiều lò khác sắp được khởi công.

Tiếp theo các thiên tai tại Nhật, Tân Hoa Xã nói Trung Quốc tạm ngưng phê chuẩn các cơ xưởng hạt nhân mới để chính quyền còn duyệt xét lại những tiêu chuẩn an toàn cũng như kiểm tra tình trạng an toàn của các cơ xưởng hiện có.

Tuy nhiên, trong nhận định chính thức duy nhất được công bố cho đến nay, ông Trương Lực Quân, Thứ trưởng Bảo vệ Môi trường, nói rằng Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các đường lối hạt nhân tổng thể. Ông tuyên bố như vậy với các ký giả bên lề khóa họp thường niên của quốc hội Trung Quốc, một ngày sau khi xảy ra vụ động đất tại Nhật.

Ông nói: “Trung Quốc có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, nhưng không thay đổi chương trình triển khai năng lượng hạt nhân.”

Hiện nay, hạt nhân chỉ chiếm khoảng 1% tổng số năng lượng tại Trung Quốc, nhưng kế hoạch 5 năm mới sẽ tăng gấp bốn tỉ lệ năng lượng hạt nhân vào năm 2015.

Ông Thạch Ðịnh Hoàn, cố vấn năng lượng của Hội Đồng Nhà Nước, nói rằng khủng hoảng năng lượng hạt nhân tại Nhật sẽ giúp Trung Quốc chú tâm đến vấn đề tiêu chuẩn an toàn hạt nhân.

Nhưng ông nói: “Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách tổng thể hoặc hướng đi chiến lược của mình, chỉ vì một thiên tai lớn diễn ra tại một nước khác. Hoa Kỳ cũng vừa loan báo là đường lối theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ cũng sẽ không thay đổi.”

Ông còn cổ súy những nỗ lực nhằm gia tăng năng lượng từ các nguồn có thể đổi mới, chẳng hạn như sức gió và mặt trời. Tuy nhiên, theo ông, người ta vẫn còn phải duy trì chương trình năng lượng hạt nhân, nhất là vì lý do mức cầu năng lượng của Trung Quốc không ngớt gia tăng cùng với nhịp tăng trưởng kinh tế.

Phó Giáo Sư Vương Hải Tân thuộc trường đại học Thanh Hoa là chuyên gia về công nghệ hạt nhân dân sự của Trung Quốc. Ông nói rằng nhịp độ phát triển năng lượng hạt nhân đã mau lẹ trong những năm gần đây, trong đó có một chỉ tiêu chính thức được đề ra nhằm xây 70 lò phản ứng hạt nhân tại Trung Quốc vào năm 2020.

Ông Vương nói: “Nếu tiến độ đó được duy trì, thì có thể có những vấn đề về an toàn tại các cơ xưởng hạt nhân, bao gồm các vấn đề về vật liệu xây dựng và các biện pháp phòng ngừa khác.”

Đồng thời, ông cũng nêu ra rằng với những sự kiện đang diễn ra tại Nhật, ông nghĩ chính phủ Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh lại các chỉ tiêu của mình.

Những cơ xưởng hạt nhân đang được xây dựng tại Trung Quốc dựa trên kỹ thuật mới hơn mà các giới chức mong rằng sẽ an toàn hơn là các lò tại Nhật.

Ông Lưu Nguy, Phó giám đốc công ty Xây dựng Nguyên Tử Năng Trung Quốc, nói với tờ Asahi Shimbun tuần qua rằng Trung Quốc có thể xây các cơ xưởng nguyên tử năng nhanh hơn là tại Nhật. Ông nói một trong những lý do là tại Trung Quốc, các giới chức không gặp phải sự chống đối từ các cộng đồng địa phương.

Bà Lý Nhạn thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh nói một trong các lý do ít có chống đối về năng lượng hạt nhân tại Trung Quốc, là vì dân Trung Quốc không biết gì nhiều về vấn đề này.

Bà Lý nói: “Trước tiên, các chính sách năng lượng được làm theo cách thức từ trên xuống dưới. Đó là một vấn đề rất đặc biệt và năng lượng hạt nhân cho đến nay không chiếm tỉ lệ lớn tại Trung Quốc, và người Trung Quốc có rất nhiều chuyện khác phải lo, nhất là đốt than và sự ô nhiễm của nó trong nước và không khí. Như vậy, ở tầm mức này, ta thật sự không thấy có sự tranh luận gay go về hạt nhân như một loại năng lượng.”

Bà nói thêm, cũng còn một vấn đề nữa, là tại Trung Quốc trước kia chính phủ thường vẫn hay giữ kín mọi chuyện và không muốn tiết lộ thông tin.

Tuy nhiên, tai họa về hạt nhân tại Nhật đã giúp gia tăng nhận thức của dân Trung Quốc về năng lượng hạt nhân, và một cuộc tranh luận về những cái hại và các điều lợi của năng lượng hạt nhân bắt đầu diễn ra trên Internet.

Cũng như Nhật Bản, Trung Quốc là một nước hay xảy ra động đất, và một số người Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại rằng một vụ động đất có thể gây tổn hại cho một cơ sở hạt nhân. Một số người khác thì tỏ ra bức xúc là không giống những lãnh đạo châu Âu, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không chịu xét lại đường lối theo đuổi hạt nhân của họ.

Cùng lúc đó, một số người Trung Quốc cổ súy việc sử dụng năng lượng hạt nhân và nhất trí với những nhận định của chính phủ, rằng năng lượng hạt nhân ít gây ô nhiễm hơn than và dầu.

Ô