Ngân hàng Công thương, lớn nhất Trung Quốc, vừa loan báo mua lại một công ty môi giới chứng khoán của Mỹ và đang tìm mua thêm tài sản ở Đông Nam Á.
Tháng trước, Tổng công ty Dầu hỏa Quốc doanh Trung Quốc mua 1/3 cổ phần tại một giếng dầu khí ở Texas.
Đó chỉ là những ví dụ điển hình về chuyện Trung Quốc ngày càng tìm tạo thêm vốn trên khắp thế giới.
Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đầu tư khoảng 43 tỉ đôla cho các vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp, Mergers and Acquisitions, (M&A) ở bên ngoài Trung Quốc.
Jeremy Fearnley, chuyên viên về M&A, đang làm cho công ty tư vấn KPMG ở Hồng Kông cho biết KPMG đã thực hiện một cuộc thăm dò với hơn 150 Giám đốc công ty Trung Quốc để biết dự định đầu tư ở nước ngoài của họ trong 3 năm sắp tới:
“85% người được chúng tôi thăm dò đều trả lời họ có kế hoạch M&A. Hầu như người nào cũng có kế hoạch này.”
Hầu hết các công ty có thu nhập dưới 150 triệu đôla chọn M&A ở châu Á, trong khi gần 50% công ty có thu nhập trên 150 triệu chọn Bắc Mỹ và châu Âu, bên cạnh châu Á.
Công ty được nhắm tới nhiều nhất thuộc các ngành công nghệ thông tin, hoặc có sẵn thương hiệu có tiếng.
Ví dụ, công ty Cát Lợi đã hoàn tất sáp nhập hiệu xe Volvo của Ford hồi tháng 8, sau khi Ford mua lại Volvo của Thụy Điển cách nay mấy năm.
Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư nhiều tại châu Phi và châu Mỹ Latinh, chủ yếu trong ngành hầm mỏ và dầu khí, để bảo đảm có đủ nguyên liệu cho nền kinh tế ngày càng tăng trưởng.
Trước đây, các vụ đầu tư của Trung Quốc trong các ngành chiến lược của Hoa Kỳ như năng lượng đã thất bại vì lý do an ninh.
Năm 2005, công ty CNOOC của Trung Quốc không mua được công ty Unocal của Mỹ. Các nhà làm luật Mỹ chống đối công ty An Sơn liên doanh với công ty Steel Development Co. trong một dự án sản xuất thép.
Cuộc thăm dò của KPMG cũng cho thấy các công ty Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm về điều đình, họ có văn hóa và cách lựa chọn quyết định khác biệt với các công ty muốn mua, do đó nhiều khi khó kết thúc được hợp đồng.
Một trong những trở ngại lớn nhất, là các công ty Trung Quốc đều muốn có quyền kiểm soát nhiều hơn khi liên doanh hoặc sáp nhập với nước ngoài.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay trong 9 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng 530% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một cuộc thăm dò mới cho thấy nhiều công ty Trung Quốc có kế hoạch mua tài sản ở nước ngoài trong 3 năm tới. Điều này cho thấy nhiều công ty Trung Quốc đang dư tiền, muốn kiếm thêm thị trường và kiến thức cho doanh nghiệp của họ.