Một cuộc nghiên cứu cho thấy số người có điều kiện sử dụng máy tính tại các nước nghèo có chiều hướng đi lên, nhưng vẫn còn quá ít so với các nước công nghiệp hóa.
Các chuyên viên tiếp tục tranh luận cách tốt nhất để xóa khoảng cách digital này.
Năm 2005, ông Nicholas Negroponte lập ra dự án Mỗi Trẻ Một Laptop, mục tiêu là chế các máy tính xách tay giá hạ để trao cho các trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các nước nghèo. Ông cho biết:
“Tính đến nay, tổ chức phi lợi nhuận của tôi đã đưa laptop đến tay 1 triệu 200 ngàn trẻ em tại 31 quốc gia. Riêng Uruguay đã đạt chỉ tiêu mỗi em một máy tính.”
Nhưng dự án này cũng gặp chỉ trích, cho rằng dù mỗi laptop chỉ mất có 160 đôla, giá này cũng tốn kém và không hiệu quả.
Ông Stephen Dukker cũng là nhà sản xuất máy tính giá rẻ. Nhưng máy của ông có thể chạy nhiều chương trình và nhiều ứng dụng cho nhiều người cùng một lúc.
Ông gọi sản phẩm của ông là “máy tính ảo”, chi phí thấp, sử dụng ít năng lượng và không cần nhiều yểm trở về mặt kỹ thuật.
Công ty NComputing của ông Dukker đã lập được trên 40.000 mạng tại hơn 100 quốc gia. Ông giải thích cách vận hành của các mạng này:
“Người sử dụng chỉ cần có một bàn phím và một màn hình được nối vào mạng của tôi. Người sử dụng mạng của tôi có cùng những chức năng giống như những người có máy tính riêng. Làm theo kiểu này ít tốn kém hơn là phải mua riêng một máy tính cho mình.”
Khi máy tính đến tay nhiều trẻ em hơn thì các em có điều kiện làm quen với Internet nhiều hơn. Đó là một công cụ giáo dục rất tốt, nhưng các em cũng cần được hướng dẫn về những nguy hại của nó.
Ông Mark Matunga, đại diện của Microsoft tại Kenya nhận định:
“Sự nghèo khổ dễ làm các trẻ châu Phi bị cám dỗ. Trên Internet có những kẻ sẵn sàng dụ dỗ các em để tìm cách lợi dụng.”
Ông Matunga đang làm việc với các giới chức của Kenya và các nhóm bảo vệ trẻ em tại nước này để giáo dục quần chúng cách bảo vệ trẻ em trước những cảnh lạm dụng online.