Chiếc hồ thời cổ đại có thể có vô số sinh vật

Hồ Vostok bị chôn vùi dưới lớp băng đá Bắc cực ở độ sâu gần 4 kilomet từ hơn 15 triệu năm

Theo một nhóm các khoa học gia Hoa Kỳ thì một chiếc hồ bị chôn vùi dưới lớp băng đá Bắc cực ở độ sâu gần bốn kilomet trong hơn 15 triệu năm nay có thể chứa hàng vạn sinh vật cổ, kể cả nhiều giống cá.

Hồ nước ngọt Vostok, sâu thứ tư trên trái đất, dài 250 kilomet và rộng 50 kilomet.

Các nhà khảo cứu từ Trường đại học Bowling Green ở tiểu bang Ohio đã phân tích những mẫu nước hồ do các khoa học gia Nga thâu thập hồi năm 2012.

Trong một phúc trình được đăng trong tạp chí trên mạng PLOS One, các nhà khảo cứu nói họ đã xác định được hơn 3.500 chuỗi DNA, hầu hết tất cả các chuỗi này có liên hệ với nhiều loại vi khuẩn.

Theo phúc trình này, khoảng 5% các chuỗi DNA có liên hệ với những sinh vật phức tạp hơn được gọi là eukaryotes hay sinh vật có nhân chính thức, và hai trong số này có liên hệ với sinh vật một tế bào được gọi là archaea, hay vi khuẩn cổ.

Một số những vi khuẩn được xác định thường thấy trong ruột cá, gợi ý rằng hồ này có chứa các chủng loại cá.

Các nhà khoa học cũng nói rằng, Hồ Vostok có thể không vô trùng như người ta nghĩ trước đây và hầu hết các chủng loại đã được xác định là giống như những sinh vật sống trong các đại dương hay hồ.

Điều này có thể làm thất vọng những ai trông đợi là trong hồ này có các sinh vật lạ, bị cô lập khỏi thế giới trong nhiều triệu năm.

Tuy nhiên, với thêm nhiều mẫu băng đá đang được khảo sát, các nhà khảo cứu nói rằng vẫn còn có thể khám phá ra nhiều sự kiện kỳ lạ.