Phần lớn người Mỹ theo dõi tin tức chính trị không biết tên bà Elizabeth MacDonough. Nghe tên, nhiều người cũng không biết bà làm việc gì trong chính phủ. Nhưng bà MacDonough mới viết một chữ, chương trình chi tiêu gần $2,000 tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden sẽ thành sự thật.
Bà MacDonough chỉ trả lời cho một câu hỏi của Nghị sĩ Chuck Schumer, trưởng khối đa số (Dân chủ) ở Thượng viện. Ông Schumer hỏi, theo nội quy Thượng viện, ông có thể đưa ra biểu quyết một lần nữa theo thủ tục “Điều chỉnh Ngân sách” hay không? Bà nói “Yes!”
Quốc hội là cơ quan quyết định ngân sách. Thường thì khi biểu quyết, hơn một nửa đại biểu đồng ý là xong. Nhưng Thượng viện Mỹ có thủ tục “filibuster” đã trình bày trong một bài Bình Luận trước. Nếu không có đủ 60 nghị sĩ đồng ý thì chưa được biểu quyết bất cứ chuyện gì. Từ năm 1974, Thượng viện Mỹ đã sửa nội quy, cho chính phủ làm ngân sách và sửa lại ngân sách đang dùng mà chỉ cần 51 phiếu, không cần 60 nghị sĩ ưng thuận. Thủ tục “Budget Reconciliation” ra đời, dịch “Bổ túc” hay “Điều chỉnh Ngân sách” là đúng ý nghĩa.
Bà Elizabeth MacDonough không thuộc đảng Cộng Hòa, cũng không Dân chủ. Bà giữ chức “Senate Parliamentarian,” có thể dịch là Giám đốc Nội Quy, người phụ trách giải thích và thi hành nội quy của Thượng viện. Khi bà trả lời “Yes” tức là ông Chuck Schumer có thể đưa bản dự chi chương trình Tái thiết Hạ tầng ra biểu quyết, nếu có trên 50 nghị sĩ đồng ý.
Tháng trước, đảng Dân chủ đã dùng thủ tục “Budget Reconciliation” để thông qua đạo luật Cứu Trợ Nạn Covid-19, cũng gần $2 ngàn tỷ đô la. Các nghị sĩ Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống; họ sẽ không thay đổi, nhất là sau khi nghe ông Mitch McConnell, trưởng khối thiểu số, kịch liệt đả kích dự luật “Jobs Infrastructure,” coi là nó chứa đầy cạm bẫy (ông gọi là Con Ngựa thành Troy).
Đảng Dân chủ sẽ phải cho dự luật mới đi qua cửa “Bổ túc Ngân sách.” Ông Biden sẽ phải cắt bớt mấy trăm tỷ đô la trong số chi gần $2 ngàn tỷ nếu muốn được thông qua. Giống như lần trước, ông phải bỏ mục tăng lương tối thiểu toàn quốc lên $15 đô la một giờ. vì không thuộc phạm vi ngân sách. Lần này, những khoản chi về trợ cấp cho nhà dưỡng lão, chăm sóc trẻ em, bảo vệ môi trường, vân vân, đều đang chờ coi sẽ cắt tới đâu.
Các ông Joe Biden và Chuck Schumer đang tìm cách lôi kéo các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ dự luật Tái thiết Hạ tầng, mang cái tên hấp dẫn là "American Jobs Plan infrastructure proposals". Nếu có 10 nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý thì không còn lo bị “filibuster” nữa, được tiếng là được cả hai đảng ủng hộ. Muốn có kết quả, ông Schumer có thể “dụ khị” các nghị sĩ Cộng Hòa bằng một tập tục mà Thượng viện đã bãi bỏ từ lâu, gọi là “Earmarks – Đánh Dấu Tai.”
Earmarks, theo nghĩa đen là dùng thanh sắt nung đánh dấu vào tai con bò để biết ai là chủ nhân. Đời xưa các anh chăn bò dẫn từng đoàn mấy ngàn thú vật đi hàng ngàn cây số, có lúc hai đàn bò đi qua cùng một cánh đồng cỏ hay phải vượt qua cùng một con sông. Muốn kiểm soát ai là chủ nhân con bò lạc nào, phải coi cái dấu trên tai.
Ở Thượng viện Mỹ đời trước, các đại biểu vẫn quen dùng Earmarks. Họ thêm vào ngân sách quốc gia những khoản chi tiêu đặc biệt cần cho đơn vị hay cho tiểu bang của mình. Tòa Bạch Ốc thường để cho các dân biểu, nghị sĩ góp ý kiến như vậy, để ngân sách dễ được thông qua. Ngân sách lớn hàng ngàn tỷ, thêm chỗ này mấy chục triệu, chỗ kia trăm triệu, ăn nhằm gì? Ngân sách bị lãng phí vì nhiều đại biểu có thể lạm dụng. Nhiều vụ đã được các nhà báo vạch ra: Nước Mỹ chi $223 triệu đô la xây một cây cầu ở Alaska “đi vào nơi hoang dã.” Chưa hết, chi $500,000 đô la dựng một viện bảo tàng các loại ấm trà (nếu tò mò muốn coi, mời quý vị đến North Carolina).
Năm 2011, đảng Cộng Hòa đã chấm dứt nạn Earmarks tại Hạ viện; các nghị sĩ Dân chủ ở viện trên cũng làm theo. Năm đó, Tổng thống Barack Obama hứa sẽ phủ quyết các dự luật ngân sách chứa các khoản chi “đánh dấu tai.” Các quyết định này không phải là luật, cũng không ghi trong nội quy, mà chỉ là những thỏa thuận giữa các nhà lập pháp ngồi trong những ủy ban.
Cho nên, có thể thay đổi. Thực ra từ khi cấm Earmarks, các đại biểu vẫn có những cách đem tiền về cho tiểu bang hay đơn vị của mình, tiền cả nước đóng thuế. Đặc biệt, sau khi “đánh dấu tai” bị cấm, nhiều khoản chi đã chuyển từ quốc hội qua Tòa Bạch Ốc! Ông tổng thống vẫn có thể đem công quỹ chia cho các địa phương.
Vì vậy, năm ngoái một ủy ban quốc hội gồm cả hai đảng đã đề nghị nên để các đại biểu “đánh dấu tai” lại như cũ. Bởi vì các đại biểu quốc hội biết rõ nhu cầu của đơn vị mình hơn phủ tổng thống! Các ủy ban quốc hội sẽ đặt thêm quy luật cho minh bạch công khai! Các khoản dự chi phải được công bố cho dân thấy, họ được góp ý kiến, các đại biểu và gia đình họ không được lợi lộc nào nếu được chuẩn chi.
Dự luật Tái thiết Hạ tầng sẽ chi hàng tỷ mỹ kim để xây cất, đường, cầu, phi trường, đường xe lửa, hải cảng, đặt hệ thống internet ở vùng nông thôn, vân vân. Hàng chục triệu người sẽ có việc làm, toàn là những người trong lớp tuổi bỏ phiếu. Các đại biểu quốc hội sẽ thấy bỏ qua những món tiền này rất uổng! Các ông Joe Biden và Chuck Schumer có thể đem những cái tai bò ra mời các nghị sĩ Cộng Hòa góp tay đánh dấu! Đó cõ lẽ là món võ lợi hại nhất để dự luật không phải qua cửa ải Bổ túc Ngân sách, không lo bị filibuster và được tiếng là hòa hợp hai đảng!
Để giải đáp những lời tố cáo “Con Ngựa Thành Troy” của Nghị sĩ McConnell, đảng Dân chủ sẽ phải cắt bớt các khoản chi tiêu bị nghi ngờ. Đó là các mục bảo vệ nước sạch, chống làm nóng khí quyển, các mục ủng họ công đoàn, các khoản ưu đãi người thiểu số hoặc phụ nữ, và nhiều thứ khác. Các khoản chi về y tế, sẽ giúp đạo luật Obamacare bành trướng, cũng bị chống. Liệu đảng Dân chủ có chấp nhận cắt hết hay không? Nếu cắt bớt, sẽ chịu cắt đến đâu? Không thể biết trước được!
Nhưng liệu các nghị sĩ Cộng Hòa có chấp nhận thỏa hiệp để được “đánh dấu tai” con bò gần hai ngàn tỷ mỹ kim hay không?
Họ sẽ phải nhìn về khu nghỉ mát “Biển Hồ,” Mar-a- Lago, Florida, coi cựu Tổng thống Trump nghĩ thế nào.
Chắc chắn ông Donald Trump không chấp nhận. Ai bỏ phiếu thông qua bất cứ dự luật nào của Joe Biden sẽ lãnh hậu quả. Ông đã ghi tên bảy nghị sĩ Cộng Hòa từng kết án ông chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn ở trụ sở quốc hội ngày 6 tháng Giêng. Ông đã công khai ủng hộ những người trong đảng Cộng Hòa chống các nghị sĩ đó trong mùa tranh cử năm 2022. Một số người đã phải rút lui không ra lại nữa. Cứ như vậy, có nghị sĩ Cộng Hòa nào dám bỏ phiếu cho dự luật Tái thiết Hạ tầng của chính phủ Biden?
Họ sẽ phải tính lợi hại. Nếu bỏ phiếu ủng hộ, họ sẽ bị ông Trump đánh dấu Biden vào tai của chính họ. Sang năm sẽ phải giải thích cho các cử tri Cộng Hòa ở tiểu bang mình, nói rõ lý do tại sao. Ngược lại, có thể đưa thêm vào ngân sách những khoản chi sửa chữa một cây cầu, một bệnh viện, phi trường, hay một trường học, sang năm về cắt băng khánh thành, khoe với cử tri. Cân nhắc lợi hại, rồi sẽ quyết định!
Không biết sẽ có bao nhiêu nghị sĩ Cộng Hòa sẽ chấp nhận “đánh dấu tai bò,” dù trái ý ông cựu tổng thống! Cũng không biết các ông Schumer và Biden chịu nhượng bộ tới đâu.
Nhưng sau khi bà Elizabeth MacDonough đồng ý rằng đảng Dân chủ có thể thông qua dự luật mới bằng thủ tục điều chỉnh ngân sách, thì dự luật Tái thiết Hạ tầng sẽ thành sự thật. Không những thế, trong năm nay và năm tới, đảng Dân chủ có thể thông qua một hay hai dự luật chi tiêu qua cửa ải này!
Các nghị sĩ Cộng Hòa vẫn có thể bắt cá hai tay. Họ cứ bỏ phiếu chống dự luật của ông Biden! Rồi khi tiền được dùng để xây cất, tu bổ hạ tầng cơ sở, họ vẫn quay về tiểu bang mình, đem khoe với cử tri rằng quốc hội đã chuẩn chi những món tiền quý hóa đó. Không phải người công dân Mỹ nào cũng theo dõi tin quốc hội. Họ không biết và nếu biết thì 13, 14 tháng nữa cũng sẽ không nhớ ông bà nào bỏ phiếu như thế nào!