Đường dẫn truy cập

Quyền Filibuster sẽ phải giảm bớt


Người biểu tình chống dự luật giảm thuế của Cộng Hòa cầm bảng ghi "Quyền filibuster của người dân đòi chấm dứt giảm thuế cho giới tỷ phú," tháng 11, 2017. Hình minh họa.
Người biểu tình chống dự luật giảm thuế của Cộng Hòa cầm bảng ghi "Quyền filibuster của người dân đòi chấm dứt giảm thuế cho giới tỷ phú," tháng 11, 2017. Hình minh họa.

Filibuster là điều trong nội quy Thượng viện chỉ cho ngưng thảo luận nếu được 60 trong 100 nghị sĩ đồng ý. Chỉ cần 41 nghị sĩ không chịu thì không dự luật nào được biểu quyết. Điều khoản này sẽ khiến đảng Dân chủ, mặc dù đanh nắm Tòa Bạch Ốc và chiếm đa số quá bán trong hai viện quốc hội, không thể đưa ra các chương trình mà các cử tri chờ đợi khi bỏ phiếu cho họ. Cho nên, trong thời gia tới, quyền Filibuster sẽ giảm bớt, dù không bãi bỏ.

Dự luật chi tiêu $1.9 ngàn tỷ đô la cứu cấp vì đại dịch Covid-19 của Tổng thống Joe Biden đã được thông qua vì các dựa luật về ngân sách được miễn trừ không bị filibuster.

Trong thời gian sắp tới, ông Biden sẽ cần quốc hội thông qua một dự luật xây dựng hạ tầng cơ sở, mà các chính phủ Mỹ vẫn muốn nhưng không thực hiện được trong hai chục năm nay. Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông đã cổ động cho chương trình này một cách say sưa, dù không phóng viên nào đặt câu hỏi. Một chương trình khác, chắc chắn sẽ bị các nghị sĩ Cộng Hòa chống là dự luật HR-1 về Quyền Bỏ Phiếu, đã được Hạ viện ưng thuận.

Nếu Thượng viện không thông qua HR-1 thì đảng Dân chủ coi như sẽ thất bại trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2020. Vì đảng Cộng Hòa đã ra tay trước. Sau khi Tổng thống Donald Trump thất cử tại Arizona, Georgia xưa nay vẫn bầu cho đảng Cộng Hòa, các tiểu bang do Cộng Hòa kiểm soát đã đưa ra 22 dự luật bầu cử mới, thêm những điều kiện khó khăn nhắm vào các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ.

Các cử tri ở Georgia đã biểu tình sau khi ông thống đốc Cộng Hòa ban hành đạo luật mới được nghị viện, do Cộng Hòa kiểm soát, chấp thuận. Một điều trong luật mới này hạn chế bớt việc bỏ phiếu trong ngày Chủ Nhật. Ai cũng biết rằng các cử tri da đen thường bỏ phiếu sau khi đi lễ nhà thờ! Trong ngày Chủ Nhật có 37% người đi bỏ phiếu là da đen, trong khi họ chỉ chiếm 27% dân số tiểu bang.

Tại Arizona, luật mới bắt người bỏ phiếu bằng thư phải đi thị thực chữ ký (notarised), sẽ tốn thời giờ và tốn tiền mà chưa có nơi nào đòi như vậy. Một điều khác buộc các cử tri đó phải đem bao thư bỏ phiếu tới tận nơi, thay vì gửi qua bưu điện. Ai cũng biết các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ thường dùng thư, vì nghèo, khó nghỉ làm việc để đi bỏ phiếu.

Dự luật HR-1 về Quyền Bỏ Phiếu sẽ đặt ra các tiêu chuẩn về tổ chức bầu cử trên toàn quốc, một số các điều hạn chế trên đây sẽ bị xóa bỏ. Dự luật đó còn bắt các ứng cử viên tổng thống Mỹ phải công bố hồ sơ trả thuế, và giảm bớt nạn phân chia các đơn vị bầu cử méo mó để có lợi cho đảng mình (gerrymandering), một kỹ thuật được đảng Cộng Hòa áp dụng tại các tiểu bang họ nắm quyền từ hàng chục năm qua. Vì vậy, khi dự luật HR-1 ra Thượng viện, thế nào cũng bị các nghị sĩ Cộng Hòa filibuster!

Ngoài hai dự luật trên, còn nhiều chương trình khác của đảng Dân chủ khó lòng thoát qua được cửa ải filibuster. Thí dụ: Giải quyết vấn đề di dân, giảm bớt việc dùng xăng và dầu khí (Được các công ty xăng dầu ủng hộ), kiểm soát việc bán súng tấn công, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, tăng lương tối thiểu lên trên $7.50 đô la, vân vân.

Muốn các chương trình của mình được thực hiện, cách giản dị nhất là các nghị sĩ Dân chủ xóa bỏ filibuster. Họ có thể làm được điều này, vì chỉ cần quá bán, 50 nghị sĩ và bà phó tổng thống với vai trò chủ tịch, là có thể sửa các điều khoản trong nội quy Thượng viện.

Tổng thống Biden đã từng làm nghị sĩ mấy chục năm, có thể sẽ dè dặt, không tìm cách cùng một lúc tấn công trên nhiều mặt trận.

Nhưng quyền filibuster không hề có ở đâu trên thế giới! Các quốc gia đều bắt quốc hội phải đạt một tỷ số rất lớn khi biểu quyết các vấn đề quan trọng, như sửa đổi hiến pháp, khi tuyên chiến, khi cách chức tổng thống, vân vân. Cũng không có điều nào trong hiến pháp Mỹ bảo quốc hội phải ấn định thủ tục bỏ phiếu ngưng thảo luận.

Những người muốn bảo vệ filibuster nói rằng thủ tục này nhắm bảo đảm các đạo luật được Thượng viện thông qua phải được suy xét kỹ lưỡng hơn khi cần 60 người đồng ý. Họ cho như thế là khuyến khích sự cộng tác giữa hai đảng. Họ lo rằng nếu bỏ filibuster đi thì sẽ gây ra cảnh mỗi lần quốc hội đổi với một đảng khác chiếm đa số, họ sẽ thay đổi các đạo luật cũ.

Nhưng filibuster không giúp cho các nghị sĩ thuộc hai đảng cộng tác với nhau nhiều hơn. Trái lại, nó làm cho công việc lập pháp bế tắc. Hơn mười năm nay chưa có đạo luật nào ra đời nhờ hai đảng cùng chấp thuận.

Ngược lại, chính vì filibuster mà hai đảng không thể cộng tác với nhau. Nếu không có nó thì, khi hai đảng có lập trường đối nghịch quá, các nghị sĩ ôn hòa hai đảng có thể bàn nhau tìm một giải pháp trung dung. Với filibuster, chỉ cần một thiểu số 41 người là ngăn chặn được hết các điều thỏa hiệp. Hiện nay, trên lý thuyết, 41 nghị sĩ Cộng Hòa từ các tiểu bang thưa dân có thể ngăn chặn bất cứ dự luật nào, dù họ chỉ đại diện cho 23 phần trăm dân số Mỹ.

Thủ tục filibuster đã bị lạm dụng triệt để trong những năm gần đây. Cả hai đảng đều lạm dụng. Xưa kia Thượng viện Mỹ lâu lâu mới dùng đến thủ tục này. Niên khóa 1999 – 2000, thời Tổng thống Bill Clinton, chỉ có 58 lần Thượng viện không thể làm luật vì filibuster, mà nếu không bị ngăn cản thì đã có luật mới. Trong niên khóa 2019 – 2020, filibuster đã được dùng 298 lần. Trong bốn năm thời Tổng thống Donald Trump, sau cùng ông chỉ được thông qua một dự luật, là luật cắt giảm thuế cho các công ty. Vì luật ngân sách được miễn trừ, không thể bị filibuster.

Còn vấn đề mỗi đảng lên lại thay đổi các luật do đảng khác làm ra khi họ chiếm đa số thì sao? Đây là chuyện bình thường trong bất cứ một nước dân chủ nào. Các nhà chính trị cứ làm như vậy nếu họ muốn, nhưng các đối thủ của họ sẽ vạch ra cho dân chúng biết. Người dân sẽ theo dõi, coi ai nói gì và bỏ phiếu thuận hay chống dự luật nào, dân sẽ quyết định bằng lá phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới.

Khi người ta còn dùng filibuster thì không có chuyện đó. Bởi vì, khi biết sẽ có 41 người sẽ chống đến cùng thì các dự luật chết ngay, trước khi đưa ra thảo luận. Cứ như thế, dân không có cơ hội coi đại biểu nào nói gì và bỏ phiếu chống dự luật nào. Có ai biết trong 298 lần ông Trump bị filibuster là bàn về các vấn đề nào hay không? Những người chống, tối thiểu 41 người, được bảo vệ trong bóng tối. Điều này sẽ diễn ra với dự luật HR-1 mà ông Biden rất muốn được thông qua!

Khi tranh cử ông Biden đã nói trước rằng ông không đồng ý xóa bỏ luôn filibuster. Muốn xóa bỏ bây giờ cũng khó, vì có hai nghị sĩ Dân chủ đã bác bỏ chuyện đó.

Hơn nữa, xóa bỏ filibuster giống như con dao hai lưỡi. Đảng đang chiếm đa số sẽ tha hồ làm luật, nhưng đến lúc họ trở thành thiểu số thì đến lượt đảng kia!

Nhưng các nghị sĩ Dân chủ chống việc xóa bỏ filibuster hoàn toàn cũng đồng ý có thể bỏ thủ tục này trong một số phạm vi. Trước đây, Thượng viện đã sửa nội quy, cho các vụ phong nhậm bộ trưởng và các thẩm phán được miễn, không lo bị filibuster nữa. Mai mốt, sẽ có những cuộc bỏ phiếu miễn trừ thêm các lãnh vực khác. Có thể nhấn mạnh đến xây dựng hạ tầng cơ sở, nếu các nghị sĩ hai đảng không thể đồng ý với nhau. Và có thể sẽ miễn trừ các vấn đề về quyền bỏ phiếu! Trong quá khứ, đảng Dân chủ, khi còn mạnh ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, họ đã filibuster ngăn chặn các dự luật mở rộng quyền bỏ phiếu của người da đen. Bây giờ thời thế và vai trò đổi thay, họ có thể sẽ cho các luật về quyền bỏ phiếu được miễn không bị filibuster nữa!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG