Châu Âu lo ngại tầm nguy hiểm của các tay súng nước ngoài trong IS

Binh lính Pháp tuần tra kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre ở Paris, ngày 18 tháng 8 năm 2016.

Những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria có thể làm cho các quốc gia châu Âu phải trả giá. Những nước này lo ngại là những tay súng nước ngoài hồi hương có thể sớm ra tay trên chính quê hương xứ sở.

Theo các giới chức tình báo Mỹ, Nhà nước Hồi giáo từ lâu đã đặt các nước châu Âu là mục tiêu tấn công của họ. Và Nhà nước Hồi giáo cũng có quan điểm rõ ràng về châu lục này như là một phần trên chiến trường rộng lớn hơn. Và ngay cả những tin như phát ngôn viên đồng thời là người đứng đầu các hoạt động bên ngoài của Nhà nước Hồi giáo là Abu Muhammad al-Adnani bị giết mới đây cũng không giảm bớt những đe dọa.

Một giới chức ngoại giao phương Tây không muốn nêu tên nói với Đài VOA rằng “Khi hạ được người đứng đầu một mạng lưới, thì lập tức sẽ có kẻ bước lên thế chỗ. Mạng lưới của họ, những đầu mối tiếp xúc của họ vẫn còn đó.”

Thay vào đó, một số giới chức chống khủng bố châu Âu xem tương lai tàn lụi dần của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhìn chung có thể là ngòi kích nổ các cuộc tấn công mới, tàn khốc hơn.

Ông Dick Schoof, Điều phối viên Quốc gia của Hà Lan về An ninh và Chống khủng bố nói “Chắc chắn là trong ngắn hạn, mọi việc sẽ không tốt đẹp hơn.”

Ông nói thêm là sự thất bại của Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông “có thể làm gia tăng áp lực lên những chiến binh khủng bố nước ngoài buộc họ phải trở về nước.”

Người phát ngôn của Nhà nước Hồi giáo Abu Muhammad al-Adnani, được báo cáo đã bị tiêu diệt hôm thứ Ba.

Đe dọa “đáng kể”

Ông Schoof mô tả mức đe dọa này là “đáng kể.” Ông nói là dù chưa có chỉ dấu rõ rệt về một cuộc tấn công chắc chắn xảy ra, nhà cầm quyền đã phát hiện con số ngày càng tăng những liên hệ giữa mạng lưới thánh chiến và Hà Lan.

Các giới chức Mỹ cũng lo ngại về phản ứng dữ dội của khủng bố khi các lực lượng liên minh xâm nhập sâu hơn và xa hơn vào nơi được mô tả là trung tâm của vương quốc tự xưng của Nhà nước Hồi giáo.

Các giới chức tình báo Mỹ ước lượng Nhà nước Hồi giáo có hơn 40.000 tay súng nước ngoài từ hơn 120 nước, trong số này có khoảng 7.000 từ các nước phương Tây đến, đa số thuộc các quốc gia châu Âu.

Chiến binh nước ngoài

Hà Lan đang chú trọng đến 260 tay súng nước ngoài, trong số này có 180 người vẫn còn tại Iraq và Syria. Và các giới chức cũng lo ngại là một số phần tử trong số đó đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di trú để đi lại giữa châu Âu và Syria, giúp thiết lập một mạng lưới tinh vi bám rễ tại các quốc gia này.

Dù có những cuộc truy lùng gắt gao tiếp theo cuộc tấn công khủng bố tháng 11 năm 2015 vào Paris làm nhiều người thiệt mạng và cuộc tấn công gần đây nhất tại Brussels, các giới chức châu Âu vẫn còn lo ngại.

Các giới chức tình báo lo ngại là Nhà nước Hồi giáo ngày càng táo tợn hơn, vừa sử dụng những tay súng nước ngoài vừa dùng những tân binh. Các nhà điều tra có được chứng cớ là những đặc vụ Nhà nước Hồi giáo có thể đã đóng một vai trò trong những cuộc tấn công ít tinh vi hơn nhưng cũng làm nhiều người thiệt mạng tương tự như cuộc tấn công tại Nice, Pháp vào tháng 7 vừa qua làm hơn 80 người thiệt mạng.

Cũng có những mối quan ngại ngày càng tăng về khả năng của Nhà nước Hồi giáo có được và sử dụng những tài liệu giả để đưa người đi các nơi.

Lực lượng An ninh Iraq tiến vào Qayara, cách Mosul 70km về phía nam, sau khi đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Iraq, ngày 25 tháng 9 năm 2016.

Chia sẻ thông tin

Để chống lại mối đe dọa này, cơ quan thực thi luật pháp Liên hiệp châu Âu EUROPOL và các cơ quan tình báo châu Âu đã làm việc với đối tác Hoa Kỳ, trong đó có FBI và Bộ An ninh Nội địa để cải thiện tình báo và chia sẻ thông tin

Đối với trường hợp các tay súng nước ngoài, tuy chưa hoàn hảo nhưng việc chia sẻ thông tin dường như đã tạo được sự khác biệt.

Tuy nhiên, các giới chức Mỹ và châu Âu lo ngại là với tất cả sự phối hợp và công việc cần phải làm, một số tay súng từ nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo sẽ tìm ra phương cách để vượt qua những kẽ hở và gây tổn hại một khi trở về nước.