Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi Ấn Độ tăng cường vai trò lãnh đạo


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trả lời các câu hỏi của sinh viên sau khi đọc diễn văn về quan hệ Mỹ-Ấn và đối ngoại tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở New Delhi, 31/8/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trả lời các câu hỏi của sinh viên sau khi đọc diễn văn về quan hệ Mỹ-Ấn và đối ngoại tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở New Delhi, 31/8/2016.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Tư, 31/8, kêu gọi Ấn Độ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế, cùng phối hợp với Mỹ.

Phát biểu trước những sinh viên ưu tú nhất của Ấn Độ tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), ông Kerry mô tả Ấn Độ là "một cường quốc đã lập thành tích và có dấu ấn trong các vấn đề có ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh". Ngoại trưởng Mỹ nói hợp tác hơn nữa giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới là điều cần thiết để đương đầu với những thách thức toàn cầu, từ chủ nghĩa khủng bố đến biến đổi khí hậu.

Ông Kerry phát biểu:

"Điểm mấu chốt là sự hợp tác sâu sắc giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ là điều rất quan trọng đối với cả hai nước chúng ta và đối với toàn thế giới".

Ông Kerry nói thêm rằng các quốc gia hàng đầu "không thể đơn thuần lờ đi những mối đe dọa bên ngoài biên giới của chúng ta, vì trong một thế giới toàn cầu hóa và kết nối với nhau mà chúng ta đang sống ngày nay, những mối nguy ấy nhất định sẽ lan qua các đường biên. Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau đương đầu với các thách thức ấy".

Ông Kerry mô tả sự hợp tác Ấn-Mỹ đã đạt "mức chưa từng có", song ông cho rằng vẫn cần tăng cường hợp tác hơn thế nữa. Ông lưu ý rằng "một nền hòa bình vững bền đòi hỏi nền ngoại giao kiên cường".

Trung Quốc

Phần lớn bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tập trung vào nỗ lực đối đầu với chủ nghĩa khủng bố và thách thức an ninh khu vực do việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Vấn đề thứ hai chính là một mối quan ngại ngày càng tăng của Ấn Độ. Nước này có chung biên giới trong vòng tranh chấp với Trung Quốc.

Ông Kerry tuyên bố: "Không có giải pháp quân sự cho vấn đề này".

Trong tuyên bố chung hôm thứ Ba, Hoa Kỳ và Ấn Độ tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại là Hoa Kỳ ủng hộ "việc Ấn Độ trỗi dậy trong tư cách là nước mang lại an ninh ở Ấn Độ Dương".

Pakistan

Một mối quan ngại an ninh khác đối với Ấn Độ là những hang ổ của khủng bố ở nước láng giềng kình địch Pakistan.

Ông Kerry nhận xét: "Đang có tiến bộ và phía Pakistan đang tăng tốc các tiến bộ này", ông nói thêm là Ấn Độ nên hiểu rằng Pakistan cũng đã phải chịu nhiều thiệt hại do nạn khủng bố gây ra với 50.000 người Pakistan thiệt mạng trong các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan.

Ông Kerry nói hiện nay "các cơ quan tình báo Mỹ và Ấn Độ liên tục trao đổi thông tin" về các nghi can khủng bố, ông nhắc đến các thỏa thuận về đẩy mạnh sự hợp tác này được công bố trong ngày hôm trước tại Đối thoại Chiến lược và Thương mại Mỹ-Ấn lần thứ 2.

Ông Kerry cũng kêu gọi Ấn Độ làm nhiều hơn nữa để mang lại cho người dân các cơ hội tốt hơn về tiếp cận bình đẳng với giáo dục và các công việc có mức lương cao.

Người Hồi giáo Ấn Độ

Người thiểu số ở Ấn Độ chiếm tỉ lệ đáng kể và nhiều người Hồi giáo phàn nàn là họ bị đối xử như công dân hạng hai.

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai ở Ấn Độ, có khoảng 175 triệu tín đồ, chiếm 15% dân số.

Ông Kerry cảnh báo rằng “quản trị yếu kém” đi cùng với nạn tham nhũng có thể khiến những người bất mãn trở nên cực đoan.

Căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan đồng nghĩa với các rào cản thương mại, cũng có nghĩa là khu vực Nam Á hiện vẫn là thị trường ít kết nối nhất trên thế giới, ông Kerry gọi đó là điều "không thể chấp nhận được".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG