Tuần này, các bộ trưởng chính phủ các nước ở đông nam châu Á họp tại Bangkok để thảo luận cách thức cải thiện việc đăng ký chính thức khai sinh, khai tử và kết hôn – các biện pháp cấp thiết để cung cấp dịch vụ chính phủ. Thái Lan đã đạt được thành quả nổi bật nhưng vẫn còn những vấn đề, nhất là với giấy khai sinh cho trẻ em các công nhân di trú. Thông tín viên VOA Steve Herman tường trình từ Samut Prakan.
Chỉ vài giờ sau khi chào đời, em Edar nằm trong số những em may mắn. Tiến trình đăng ký khai sinh của em đã bắt đầu – là thứ sẽ tỏ ra là cấp thiết cho cơ may em được sống trên mức chỉ tồn tại.
Mẹ của em Edar, một phụ nữ 30 tuổi người Myanmar đã làm việc ở Thái Lan được 7 năm, nói rằng bà biết rõ giấy tờ sẽ quan trọng đến mức nào đối với đứa con thứ nhì của mình.
“Không có giấy khai sinh, con tôi sẽ không được đi học. Trước kia thì các trường học ở Thái Lan sẽ cho trẻ em không có giấy khai sinh được đăng ký đi học. Vì thế mọi người nay phải có giấy khai sinh cho con của mình.”
Một số giới chức vẫn không mấy thiết tha về việc chứng nhận khai sinh cho các em nhỏ không phải người Thái, mặc dầu luật của vương quốc bắt buộc mọi trẻ sơ sinh trong vòng 15 ngày phải đăng ký và được cấp cho một số căn cước áp dụng cho toàn quốc.
Một viên chức của UNICEF ở Thái Lan nói: “Thông điệp là chúng ta luôn nhấn mạnh rằng khai sinh là quyền của mọi trẻ em cho dù là người Thái hay không phải là người Thái và bệnh viện phải làm mọi thủ tục để giúp các bậc cha mẹ. nhất là những người không nói được tiếng Thái và có thể không biết thủ tục để hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai sinh và tiến trình mà họ cần phải làm.”
Tuy nhiên, khoảng 1 phần ba những em sinh ra ở Thái Lan bởi các bà mẹ người Myanmar, Lào và Kampuchea vẫn không được tiến hành thủ tục khai sinh. Đôi khi là do vấn đề phân biệt đối xử; trong các trường hợp khác, là do các giới chức lơ là hoặc tham nhũng.
Khu sản bệnh viện Samut Prakan đã trở thành nam châm cho những công nhân di trú nhờ được tiếng là tiếp đón các bà mẹ không phải người Thái.
Mỗi tháng bệnh viện đỡ đẻ cho 150 em bé sẽ không được nhập tịch Thái, nhưng bệnh viện do chính phủ điều hành này bảo đảm rằng tất cả các em được đăng ký khai sinh đàng hoàng. Một viên chức bệnh viện cho biết:
“Chúng tôi có một hệ thống đăng ký khai sinh trên mạng để tăng tốc tiến trình giữa bệnh viện chúng tôi và văn phòng chính quyền thành phố, do đó thông tin chính xác có thể được xử lý nhanh chóng. Điều này có nghĩa là không ai phải đi đi lại lại giữa bệnh viên và trung tâm chính quyền.”
Trong khi Thái Lan - nơi 95% trẻ em sinh ra tại bệnh viện – được nêu lên như một trường hợp gương mẫu, một số nước Á châu khác có thành tích tương đối yếu kém về đăng ký khai sinh.
Tại Nepal, tỷ lệ đó là 42%, Ấn Độ có tỷ lệ tương đương cho đến năm 2012, nhưng các số liệu mới sắp được công bố sẽ cho thấy một tiến bộ đáng kể. Như thế Pakistan có thành tích kém nhất ở châu Á với tỷ lệ chỉ có 27% các em sinh ra được đăng ký – một tỷ lệ xếp hạng thấp nhất trên thế giới, ngoại trừ một số nước Phi châu và Yemen.
Trong tình hình đó, các đại biểu dự hội nghị khu vực trong tuần này sẽ cam kết đăng ký toàn diện trước năm 2024.