Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho biết họ đang điều tra cái chết của ít nhất 15 trẻ em vì vắc-xin sởi bị nhiễm độc ở Syria. Họ nói đã đình chỉ chiến dịch tiêm chủng ở cả hai tỉnh Idlib và Deir Ezzour ở miền Bắc Syria cho tới khi nào vấn đề được giải quyết.
Các cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết họ rất sốc và đau lòng trước cái chết của ít nhất 15 trẻ em, tất cả đều dưới hai tuổi, vì vắc-xin sởi có lẽ bị nhiễm độc. Những ca tử vong đã xảy ra ở thành phố Idlib miền Bắc Syria.
Phát ngôn viên của tổ chức Y tế Thế giới Christian Lidmeier nói những đứa trẻ có lẽ đã bị cho nhầm vắc-xin. Ông cho biết một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy khoảng 75 trẻ em đã được tiêm chủng với vắc-xin bị nhiễm Atracurium, một chất làm giãn cơ thường được sử dụng làm chất gây mê trong phẫu thuật.
“Những đứa trẻ đã tiếp nhận vắc-xin lập tức bị nhiễm độc. Vì chất làm giãn cơ này hoạt động tùy theo cân nặng, đây là lý do tại sao tất cả các ca tử vong xảy ra với trẻ dưới hai tuổi. Những đứa trẻ lớn hơn sống sót với các triệu chứng tiêu chảy, ói mửa và phản ứng phản vệ. Tuy nhiên chúng sống sót đuợc là bởi vì cơ thể mạnh khỏe hơn.”
Ông Lindmeier cho biết một tổ chức địa phương có tên là Lực lượng Công tác Kiểm soát Bệnh Sởi đang thực hiện một chiến dịch đã bắt đầu vào thứ Hai. Ông cho biết hàng chục ngàn trẻ em đã được tiêm chủng an toàn. Idlib là tỉnh duy nhất gặp vấn đề.
Ông cho biết cả WHO lẫn UNICEF đều không có nhân viên quốc tế ở Syria vì cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn ở đó. Do đó không ai trong các tổ chức này trực tiếp giám sát chiến dịch.
“Không rõ làm sao chuyện này có thể xảy ra… Cho tới nay, điều chúng tôi có thể nói là có những dấu hiệu của sai sót rất tệ hại từ con người… Vẫn có một khả năng rất nhỏ đó không phải là sai sót của con người nhưng là có ý đồ. Điều đó chắc chắn phải được làm rõ trước khi mọi việc có thể tiếp tục. Hiện nay có dấu hiệu sai sót do con người nhưng phải chờ cho tới khi chúng tôi có tất cả các chứng cứ.”
Liên minh Quốc gia bài chính phủ của các lực lượng đối lập Syria cho rằng thuốc chủng ngừa có thể bị nhiễm độc bởi vì cái gọi là vi phạm an ninh bởi những kẻ phá hoại có dính líu tới Tổng thống Bashar al-Assad. Tuyên bố này chưa được xác nhận.
Bệnh sởi là căn bệnh đứng đầu gây thiệt mạng cho trẻ em trên khắp thế giới. WHO và UNICEF nói điều tối cần là phải phải tái tục chiến dịch tiêm chủng ở Syria càng sớm càng tốt. Các tổ chức này lưu ý là bệnh sởi đang tạo ra mối đe dọa đặc biệt đối với trẻ em bị thất tán và đang sống trong các trại hay những điều kinh sinh sống thiếu vệ sinh khác.