Cha Peter Namwong

Cha Peter Namwong

Có lẽ vì tôi gặp khá nhiều chuyện không vui trong cuộc đời tỵ nạn của tôi ở Philippines đặc biệt là với Sơ Pascale Lê Thị Tríu của cơ quan CADP và Giáo Hội Công Giáo Philippines nên thoạt đầu khi cha Peter Namwong liên lạc với tôi, quả tình tôi thấy cũng hơi…ngán! Tôi không phải là một thằng sùng đạo. Lại cực kỳ không thích những ai chỉ biết lên đạo dạy đời, không thèm đếm xỉa gì đến ước nguyện của đám thường dân tỵ nạn như tôi, nên thường ít khi tôi tiếp xúc với các đấng bề trên. Ngoại trừ những trường hợp chẳng đặng đừng. Như khi cha Namwong liên lạc thẳng với tôi để hỏi xem tôi và cơ quan VOICE có thể giúp được gì cho nhóm người Việt tỵ nạn ở Thái Lan hay không?

Sau đó một ít lâu chính những anh em tỵ nạn cũng trực tiếp liên lạc thẳng với tôi. Và họ bảo rằng có gì thì tôi cứ viết email hỏi cha hoặc gọi điện thoại báo cho cha biết. Vì “ổng tốt lắm anh ơi. Hổng có cha đỡ đầu thì tụi em bị cưỡng bức hồi hương hay vô tù hết rồi!”.

Cũng lạ đấy chứ nhỉ. Ở Philippines thì tự tỵ nạn phải đi tranh đấu cho chính mình, không thể tin bất cứ một ai kể cả những người đứng đầu cơ quan đại diện chính thức cho mình. Còn ở Thái Lan thì ngược lại. Từ ông già, các bác cựu quân nhân cho đến các anh em cùng lứa với tôi, ai cũng một mực tin tưởng những gì cha nói và quan trọng hơn là ai cũng thật tình quý mến ông. Họ chỉ có những lời khen tặng, trìu mến mỗi khi nói về ông.

Và sau lần đầu tiên tôi gặp cha Namwong cách đây 5 năm về trước ngay tại Bangkok, có thể nói tôi không thể không đồng ý với nhận xét này.

Vì khác xa với một số người tu hành ở Philippines mà tôi đã gặp, cha Namwong nói rất ít. Hôm lần đầu tiên tôi gặp cha, mặc dù đó là dịp để cha giải thích, chia sẻ với tôi về công việc mà ông đang làm nhưng cha chỉ trả lời nếu tôi đặt câu hỏi. Còn nếu không thì ông chỉ im lặng lắng nghe lời giải thích của những người tỵ nạn mà ông dắt đến để gặp tôi. Hoặc cười mỗi khi họ pha trò, chọc quê nhau khi cả nhóm cùng ngồi hàn huyên, tâm sự.

Hình như tính ông là thế. Rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng và không quyết đoán như một số người sùng đạo khác. Nhưng ông nói ít có lẽ vì tiếng Việt của ông, thực tình mà nói, tôi thấy không được sõi cho lắm.

Mà cũng phải thôi. Vì ông đâu có phải là người Việt chính cống như tôi và bạn!

Theo lời cha kể lại, ông sinh năm 1942 ở tỉnh Chanthaburi nằm cạnh biển về phía tây nam của Bangkok trong một gia đình có gốc là người Việt. Nhưng ông không có dịp chung sống sinh hoạt với gia đình nhiều vì ba mẹ ông mất sớm và ông đã vào nhà thờ tu từ lúc ông mới 12 tuổi đầu.

Sau 18 năm theo đuổi việc tu học, ông được chính thức phong chức linh mục vào năm 1972 và 4 năm sau, trong một dịp rất tình cờ ông đã được gửi vào trại tỵ nạn Sikiew để dẫn dắt những thuyền nhân tỵ nạn công giáo Việt Nam đầu tiên vừa đặt chân đến trại. Ông cho biết lúc ấy trại đông lắm, nhất là vào khoảng đầu thập niên 1980 khi con số lên đến khoảng vài chục ngàn người. Ông bảo đây cũng là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm nhất đối với ông sau hơn 3 thập niên thăng trầm với tỵ nạn Việt Nam ở Thái Lan. Đặc biệt là trong dịp lễ Giáng sinh năm 1982 khi ông tổ chức lễ trong trại cùng với hơn 20,000 con chiên Việt Nam tham dự.

“Hôm ấy, đông lắm, vui lắm…” ông nhắm mắt hồi tưởng trước khi nói thêm “đó là một đêm mà tôi không thể nào quên được”.

Nếu thế thì kỷ niệm nào làm cho ông buồn nhất mỗi khi nghĩ về người tỵ nạn Việt Nam? Tôi tiếp lời hỏi thử ông.

Cũng với giọng nói trầm ấm ấy, ông từ tốn trả lời: “Forced repatriation. Những ngày mà người tỵ nạn bị cưỡng bức hồi hương. Buồn lắm. Thấy người ta khóc kêu cứu mà mình không làm được gì. Buồn lắm. Tội lắm”. Ông nói đến đấy thì hình như những anh em tỵ nạn đang ngồi cạnh ông hôm chúng tôi gặp mặt nhau đều cùng lặng người đi, mỗi người tự động nhìn một nơi khác như thể họ không muốn nhớ lại những tháng ngày đau đớn ấy.

Tôi cũng vậy. Tôi cũng không muốn nhớ lại những ngày tháng ở Hồng Kông, ở trại High Island, Whitehead, Tai A Chau… khi từ bên ngoài tôi phải đứng nhìn cảnh hàng chục ngàn người Việt Nam biểu tình từ phía bên trong trại cấm. Họ bị cảnh sát xịt hơi cay, những anh em chủ xướng bị vây đánh ngay trên nóc vòm, kẻ bị thương, vào tù, người phải tự sát…

Và mình thì chẳng làm được gì. Chỉ biết nhìn. Bất lực. Trước hoàn cảnh ngửa nghiêng của dân tộc.

Bởi thế vừa nghe cha nói xong là tôi đã vội nghĩ xem làm thế nào để mình có thể lái câu chuyện sang một hướng khác. Vì có ích chi nếu chúng ta chỉ hồi tưởng đến những tháng ngày đau khổ? Đồng ý nhớ về quá khứ, cội nguồn là điều rất cần thiết. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là nó sẽ giúp cho chúng ta được gì ở tương lai.

“Vậy thì lời nhắn nhủ của cha đối với tất cả những ai đã từng quen biết cha trong suốt 3 thập niên qua các trại Sikiew, Panat Nikom là gì?” tôi vội hỏi tiếp ông.

Không như những câu trả lời trước, lần này cha suy nghĩ khá lâu trước khi đáp: “Chắc cũng không có gì. Just sending my regards to all those who have left and resettled in the West”. Tôi chỉ có lời hỏi thăm gửi đến tất cả những ai đã được cho đi định cư ở Phương Tây.

Một câu trả lời rất thật, rất giản dị và không một chút câu nệ, phải không bạn?

Trước khi tiễn cha và các anh em tỵ nạn ra về, tôi có xin cha cho tôi chụp một vài tấm ảnh làm kỷ niệm cũng như báo cho cha biết là tôi sẽ tranh thủ viết một bài blog về cha trong dịp này. Nghe xong ông chỉ nhẹ nhàng mỉm cười bảo: “tùy anh”.

Nhưng một số người tỵ nạn lại bảo tôi ông sẽ vui lắm nếu có người còn nhớ đến ông và viết email về thăm hỏi. Họ bảo bây giờ ông đã về hưu rồi nên nếu có thể chúng ta nên giữ liên lạc. Địa chỉ email của cha là peteprayoon@yahoo.com.

Thôi thì lần này các bạn cứ xem tôi là một nhịp cầu muốn nối lại tình cảm giữa cha và những ai đã từng trải qua những tháng ngày tỵ nạn bên đất Thái.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.