Cảnh sát Anh đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để tìm 3 thiếu nữ Anh theo đạo Hồi mà họ tin là đã được tuyển mộ để gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Thông tín viên đài VOA Al Pessin gởi về bài tường thuật từ London.
3 thiếu nữ, tuổi từ 15 đến 16, đã bỏ nhà ở London để ra đi cách nay gần một tuần và rõ ràng là đã đáp máy bay tới Istanbul, nơi mà những người được Nhà nước Hồi giáo tuyển mộ thường dùng làm nơi trung chuyển để tới Syria. Một cuộc điều tra cho thấy ba nữ sinh này thường xuyên truy cập các trang mạng của những phần tử quá khích, và ít nhất một người trong số đó đã tiếp xúc với một thiếu nữ Anh từng tới Syria năm 2013 và trở thành một người tuyển mộ nổi tiếng của Nhà nước Hồi giáo.
Ông Jonathan Russell, thuộc Quỹ Quilliam, một tổ chức chống quá khích hóa, nói rằng những thiếu nữ như vậy thường trở thành những người nắm giữ vai trò tuyên truyền và tuyển mộ.
"Vai trò của họ không phải là vai trò chiến đấu. Vai trò của họ sẽ là làm vợ và làm mẹ. Nhưng đó cũng là một vai trò tuyên truyền. Họ sẽ dùng kỹ năng tiếng Anh để làm video, tôi tin chắc như vậy, và cũng để làm cho những thanh thiếu niên khác trở nên quá khích và tuyển mộ họ."
Ông Russell cho biết khoảng 3.000 người Châu Âu đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong đó có chừng 500 phụ nữ và thiếu nữ.
Các giới chức Anh cho biết 3 nữ sinh đó đã bị thẩm vấn khi một nữ sinh khác trong trường của họ tới Syria hồi năm ngoái, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các em này có thể gặp rủi ro.
Trong nhiều tháng qua, các giới chức Châu Âu đã tìm cách giải quyết vấn đề tuyển mộ của Nhà nước Hồi giáo. Nhưng ông Russell nói rằng các chính phủ nên tập trung nỗ lực vào lãnh vực chấp hành luật pháp, trong lúc các gia đình và các tổ chức tôn giáo nên đi đầu trong việc bảo vệ những người trẻ và chính phủ chỉ có vai trò hỗ trợ mà thôi.
"Chúng ta nên huấn luyện cho các giáo viên, giảng viên; nên chủ động tiếp xúc với các gia đình. Những người trong gia đình nhìn thấy những em dễ bị dụ dỗ để trở thành cực đoan. Họ có thể nhận ra những sự thay đổi trong thái độ của các em đó, xu hướng quá khích hóa của các em đó, và do đó, họ có thể can thiệp."
Trong vài ngày qua, gia đình của 3 nữ sinh này xuất hiện trước công chúng. Họ ôm những chú gấu nhồi bông và những vật dụng khác mà các em bé này để lại ở nhà. Ông Abase Hussen, cha của cô Amira Abase, 15 tuổi, phát biểu như sau.
"Lời nhắn của tôi cho Amira là hãy về nhà. Mọi người ai nấy đều nhớ con. Mọi người ai nấy đều khóc than không ngừng. Con hãy suy nghĩ lại.
Các gia đình cho biết không có dấu hiệu cho thấy các em bé đó đã bị quá khích hóa hay các em định bỏ nhà ra đi."
Cô Renu Begum, chị của nữ sinh biệt tích Shamina Begum, nói rằng em cô không mang theo quần áo.
"Chúng tôi chỉ muốn em nó về nhà. Nếu em xem được tin này, thì cưng ơi, em hãy về nhà. Mẹ cần em hơn bất cứ thứ gì trên đời này."
Vị hiệu trưởng của trường mà 3 nữ sinh này theo học đã lên tiếng bênh vực cho các chương trình học tập và tư vấn của trường, và nói rằng các chương trình này chú trọng tới việc quảng bá cho dân chủ, bao dung và tôn trọng các nền văn hóa khác.
Ông Russell cho rằng truyền thông xã hội đã trở thành điều được gọi là “những căn phòng cộng hưởng”, dẫn dắt những người có xu hướng quá khích tới những website và những video trên mạng có nội dung cực đoan mỗi khi họ cho thấy họ thích một đường liên kết nào đó.
Theo luật lệ của Anh và những nước khác ở Châu Âu, nếu các nữ sinh này làm một điều gì đặc biệt để giúp nhóm Nhà nước Hồi giáo, các em có thể bị tòa xét là phạm tội hình sự; nhưng nếu các em chỉ đáp lại những hoạt động tuyển mộ thì các em có thể sẽ không gặp rắc rối với pháp luật.
Gia đình của các em cho biết tất cả đều được tha thứ và các em sẽ không bị trừng phạt gì cả nếu các em về nhà.