Australia dự định siết chặt luật di trú và quốc tịch, và trấn áp những nhóm xúi giục hận thù sắc tộc hoặc tôn giáo. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA ở Sydney, Thủ tướng Tony Abbott đã trình bày kế hoạch này trong lúc tìm cách tăng cường chiến lược chống khủng bố của Australia.
Một cuộc duyệt xét an ninh quốc gia của Australia mới đây đã kết luận rằng quốc gia này “đã tiến vào một giai đoạn mới và lâu dài của mối đe dọa tăng cao của chủ nghĩa khủng bố.”
Theo ước tính, khoảng 90 người Australia đang chiến đấu bên cạnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, trong lúc hơn 140 người khác ở Australia đang “chủ động hỗ trợ” cho các phần tử cực đoan.
Canberra, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố, đã nâng cảnh báo khủng bố trong nước từ mức trung bình lên mức cao hồi tháng 9 năm ngoái.
Chính phủ của Thủ tướng Abbott cho biết mối đe dọa trong nước đang mỗi lúc một nghiêm trọng hơn, với việc các cơ quan an ninh thực hiện hơn 400 vụ điều tra ưu tiên cao để chống khủng bố – cao hơn gấp đôi con số của năm ngoái.
Hồi đầu tháng này, hai người đàn ông bị truy tố ở Sydney sau khi cảnh sát tịch thu một lá cờ Nhà nước Hồi giáo, một thanh mã tấu và một cuốn video nói tiếng Ả Rập đề cập tới một âm mưu giết hại những người dân bình thường.
Khi loan báo về kế hoạch trấn áp chủ nghĩa cực đoan có nguồn gốc trong nước, Thủ tướng Abbott cho biết chính phủ dự định không cấp tiền trợ cấp xã hội cho những ai bị xem là có thể tạo ra những mối đe dọa, thu hồi hộ chiếu của những người có quốc tịch đôi và hạn chế những hoạt động du hành ra nước ngoài của những người bị tình nghi.
"Chính phủ sẽ soạn thảo những điều khoản tu chính cho Luật Quốc tịch Australia ngõ hầu chúng tôi có thể thu hồi, hoặc thu hồi tạm, quốc tịch trong trường hợp của các công dân song tịch. Lâu nay mọi người đều biết là những người chống lại Australia từ bỏ quốc tịch của họ, cho nên những người Australia nào cầm súng trong hàng ngũ các nhóm khủng bố, nhất là khi nhân viên quân đội Australia đang tham chiến ở Afghanistan và Iraq, là những người đã về phe chống lại đất nước chúng ta và họ cần phải được đối xử theo những cách thức phù hợp."
Luật mới cũng sẽ nhắm tới những người gọi là “những kẻ rao giảng hận thù”, kể cả nhóm Hizb-ut-Tahir, là nhóm Hồi giáo quá khích nhưng có chủ trương bất bạo động.
Tuy nhiên, một lãnh tụ của phe đối lập nói rằng những biện pháp mới này là một mưu toan của một nhà lãnh đạo mà ông mô tả là “thất bại và tuyệt vọng” nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân bằng cách gây ra những mối lo âu, sợ hãi trong công chúng. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Abbot đã vượt qua được một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm của các đồng sự của ông thuộc đảng Tự do đương quyền.