Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho hải quân nước này xây dựng các “cấu trúc” để khẳng định chủ quyền trên vùng biển phía đông, nơi Manila cho biết có một tàu của Trung Quốc đến thăm dò hồi năm ngoái.
Philippines đã phản đối về ngoại giao với Bắc Kinh sau khi con tàu bị theo dõi di chuyển qua lại ở Benham Rise, một khu vực rộng lớn phía đông Philippines được Liên Hiệp Quốc xác định là một phần thềm lục địa của nước này vào năm 2012.
Philippines nói Benham Rise là khu vực giàu trữ lượng cá và đa dạng sinh học.
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói con tàu chỉ thực hiện “quyền tự do hàng hải thông thường và quyền đi qua vô hại”, không có gì hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte chỉ thị tăng cường tuần tra hải quân trong khu vực này và xây dựng các cấu trúc “cho thấy đây là khu vực của chúng tôi”. Ông không nêu rõ cấu trúc sẽ được xây dựng là gì.
“Chúng tôi quan ngại, họ không có việc gì ở đó cả”, ông Lorenzana nói với các nhà báo vào cuối ngày Chủ nhật.
Mặc dù chấp nhận lời giải thích của Trung Quốc, nhưng ông Lorenzana nói rõ ràng là tàu của Trung Quốc không “đi qua” khu vực, bởi vì tàu này dừng lại rất nhiều lần, trong những khoảng thời gian kéo dài.
Tuần trước, ông Lorenzana nói ông nghi ngờ các hoạt động của Trung Quốc gần Benham Rise. Ngoại trưởng Philippines gợi ý đây có thể là một phần trong các cuộc thử nghiệm kiểm tra độ sâu của nước cho các tuyến tàu ngầm đến Thái Bình Dương.
Ông Lorenzana cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận thêm tại cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia vào tối thứ Hai.
Sự kiện mới có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc tại thời điểm quan hệ giữa hai bên nồng ấm lên hiếm thấy dưới thời của ông Duterte, người đã chọn bắt tay kinh doanh với Bắc Kinh thay vì đối đầu về các hoạt động và mục tiêu hàng hải trong vùng biển tranh chấp.
Trong khi ông Duterte bày tỏ thái độ lạc quan về mối quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Lorenzana tỏ ra thận trọng hơn. Ông lưu ý việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở khu vực độc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines vẫn không hề giảm xuống.