Canh bạc hải sâm

Your browser doesn’t support HTML5

Xóm lặn Bình Châu nằm khuất sau một rừng dương, nối với đường cái huyện bằng một con đường đất nhỏ. Đây là nơi sinh ra và lớn lên của nhiều thế hệ thợ lặn hải sâm của đất Quảng Ngãi.

Nghề lặn hải sâm có một ma lực khó tả, dù biết là nó nguy hiểm đến tính mạng nhưng người ta vẫn không bỏ nghề. Những cơn tai biến áp suất dẫn đến tàn tật vĩnh viễn và cái chết đã khá dày trong kỉ yếu nghề lặn Bình Châu.

Anh Trương Phong, con trai của thợ lặn hải sâm Trương Danh, bị bắn chết ở vùng biển Papua New Guinea chia sẻ với VOA:

“Ba em bị mất vào năm 2016, nghe từ chủ ghe họ báo về như vậy. Năm nay em mới học lớp 11 nên chưa làm được gì để kiếm thêm tiền. Ba mất là trụ cột của gia đình mất đi nhưng giờ vẫn chưa làm được giấy khai tử cho ba vì chưa tìm thấy xác.”

Ông Bùi Tường, thợ lặn hải sâm bị tai nạn nghề và tàn tật vĩnh viễn, giải thích lý do các ngư dân lại đi xa như vậy:

“Nguyên nhân là vùng biển Việt Nam mình ít hải sản rồi, mà tàu thì càng ngày càng nhiều. Vậy nên chỉ cần đi ra vùng biển nước ngoài thì biết chắc chắn là nhiều. Có thể trang trải chi phí cho tàu lớn, đông người. Đi vùng biển nước ngoài chắc chắn làm được nhiều.”

Người không may nằm xuống, bỏ mình giữa trùng dương hoặc trởi về đất liền bằng thân xác lạnh giá. Người may hơn một chút thì bị bắt, bị nhốt tù và gia đình phải chạy vay chạy mượn để chuộc về. Nhưng tiếng gọi hải sâm vẫn chưa ngưng lặng.

Nhóm cộng tác viên của VOA tìm gặp anh Bùi Tấn Sĩ, người vừa được thả về từ Papua New Guinea sau mấy tháng ngồi tù. Anh chia sẻ:

“Về vấn đề giúp đỡ thì nhà nước cũng có quan tâm giúp đỡ nhưng thực ra thì toàn bộ là người nhà chạy vay chạy mướn để nộp phạt rồi đóng tiền vé máy bay về. Chứ nhờ nhà nước hỗ trợ để về không là không có."

Bà Nguyễn Thị Bích, người vừa chuộc chồng về nhà với giá 175 triệu đồng từ Papua New Guinea cho biết thêm:

“Thì chuộc được ảnh về thì ảnh về được tới nhà thì em rất mừng chứ không biết nói sao. Còn tiền bạc thì nhà này vẫn đang thiếu nợ nhà nước.”

Thợ lặn hải sâm Bùi Tấn Quang, người cũng từng bị bắt ở Papua New Guinea vào năm 2016, nói:

“Nói chung đi làm không có bảo hiểm gì hết. Tự dân mình đi làm thôi chứ không có bảo hiểm gì, mình làm được nhiều thì ăn nhiều, ít thì ăn ít thôi, cũng đủ trang trải chứ không giàu có gì.”

Không có hợp đồng lao động, không có hợp đồng bảo hiểm, không có bất kì thứ quyền lợi nào ngoài việc chia lãi với chủ tàu với một tỉ lệ rất thấp, tương đương 3% toàn sản lượng. Và khi có sự cố thì chủ tàu không có bất kì trách nhiện nào với các thợ lặn, từ tai nạn nghề nghiệp cho đến bị bắt hay bị bắn chết, chủ tàu cắt đứt mọi quan hệ với gia đình thợ lặn từ lúc xảy ra sự cố.

“Nói chung ở trong tù thì không được liên lạc gì hết, chỉ có 1 lần hay hai lần gì đó được họ hỗ trợ gọi điện về cho vợ con thôi," anh Quang kể. "Sau ngày tôi ra tù thì người nhà chạy tiền chạy bạc để lo vé máy bay về.”

Ngư trường Việt Nam ngày càng hiếm hải sản, xăng dầu tăng giá lliên tục, giá điện cũng quá cao so với các nước khu vực. Điều này dẫn đến tình trạng giá nước đá cũng tăng và chi phí đánh bắt xa bờ đội lên rất cao.

Lặn hải sâm không tốn chi phí mua nước đá bởi chỉ cần ướp bằng muối và thời gian ướp kéo dài trên ba tháng.

Chấp nhận mọi rủi ro để ra vùng biển nước ngoài bắt trộm hải sâm giống như một giải pháp tình thế để chống thua lỗ của người thợ lặn. Vì chi phí thì thấp, thời gian đánh bắt kéo dài và lợi nhuận thì cao, hải sâm một canh bạc li kì và mạo hiểm.

Nhóm cộng tác viên VOA