Ông Julio Frenk, giáo sư khoa Y tế Công cộng tại trường đại học Harvard nói rằng tại các nước có thu nhập đầu người thấp hoặc trung bình, người ta có thành kiến hễ mắc ung thư thì coi như hết thuốc chữa:
“Giống như chúng ta đối mặt với HIV/AIDS trong cuối thập niên 1990; bây giờ với bệnh ung thư, thiên hạ cũng nói không thể nào trị được, phức tạp và tốn kém lắm.”
Theo ông đã đến lúc phải thay đổi não trạng đó vì sự thành công về trị liệu cho HIV/AIDS cho thấy dù có những phương tiện eo hẹp, ta cũng có thể chẩn đoán để trị dứt hoặc khống chế ung thư, bởi vì nếu không sẽ dẫn đến đau đớn và chết chóc.
Phúc trình công bố hôm thứ Hai nói rằng 80% cái chết vì ung thư xảy ra tại các nước nghèo, do không có đủ tiền hoặc phương tiện để chữa trị.
Một lý do nữa, bệnh này đang trên đà gia tăng tại các nước đó. Vẫn theo phúc trình, trong năm 1979, chỉ có 15% ca ung thư được phát hiện tại các nước có thu nhập đầu người thấp hoặc trung bình; trong năm 2008, tỷ lệ này là 56%.
Bà Felicia Kraus, giáo sư tại trường đại học Y khoa Harvard nói rằng phải công nhận là chữa chạy ung thư rất phức tạp và tốn kém, nhất là tại các nước nghèo, người ta không thể bỏ bê con cái để đi hóa trị và sau đó phải chịu những đau đớn hay biến chứng do phương pháp này gây ra.
Nhưng bà nói có nhiều loại ung thư có thể trị bằng những loại thuốc chưa được cấp bằng sáng chế và có thể sản xuất với giá phải chăng:
“Ví dụ như thuốc Tamoxifen cho ung thư vú, các loại thuốc phổ thông đang chờ chứng nhận cũng có thể giúp kéo dài cuộc sống, nhất là khi ta phát hiện sớm.”
Bà nói, các bước tương đối ít tốn kém khác là giáo dục mọi người về sự nguy hiểm của thuốc lá, sử dụng vắcxin chống ung thư tử cung và ung thư gan cũng là một cách phòng ngừa quan trọng.
Theo phúc trình vừa phổ biến trên tập san y học The Lancet, số người bị bệnh ung thư tại các nước đang phát triển ngày càng đông, mặc dù một số loại ung thư có thể ngăn ngừa được bằng cái giá tương đối thấp.