Các cơ quan nhân đạo và quốc tế đang kêu gọi có hành động cấp thời để ngăn chặn những cái chết của dân di trú vượt biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi qua Châu Âu. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường trình từ Geneva.
Thảm họa mới nhất xảy ra khuya thứ Bảy khi một chiếc tàu chở đầy nghẹt 900 di dân bị lật ở gần Libya. Chỉ cứu được có vài chục người sống sót.
Phát ngôn viên của Tổ chức Di trú Quốc tế IOM, ông Joel Millman nói với đài VOA rằng các sứ mạng tìm kiếm và cứu hộ đang tiếp tục.
Ông Millman cho biết: “Biển lặng và thời tiết ngay lúc này khá tốt, giới hữu trách tin rằng vẫn còn cơ hội tìm thấy người. Đây là một vùng biển rộng và không dễ nhìn thấy bóng người, nhưng…nói chung, nếu có người mất tích thì đã chết đuối. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi, mặc dầu cũng có những trường hợp tìm ra được một số xác người.”
Tổ chức Di trú Quốc tế báo cáo số tử vong năm nay cao hơn 1,500 người, so với 96 người trong 4 tháng đầu năm 2014. Đa số dân di trú thực hiện hành trình nguy hiểm này đều từ vùng châu Phi phía nam sa mạc Sahara, Eritrea, Somalia và Syria.
Các bộ trưởng trong Liên hiệp Âu châu đang thảo luận các giải pháp có thể có tại Luxembourg.
Tổ chức Di trú Quốc tế đang yêu cầu Liên hiệp Châu Âu một lần nữa hậu thuẫn cho cách hoạt động cứu mạng người trên quy mô của chương trình Mare Nostrum do Italia điều hành. Chương trình đó đã cứu được hàng ngàn dân di trú ngoài khơi nhưng đã bị đóng cửa hồi năm ngoái với lý do khuyến khích mọi người liều mạng đi trên những chiếc thuyền chở lậu.
Phát ngôn viên IOM Millman nói các chính phủ phải sáng tạo hơn trong việc tìm ra các giải pháp.
Ông Milman cho biết: “Chúng tôi biết những nơi như Agadez ở Niger tràn ngập những người trên đường đến Tripoli. Khartoum tràn ngập người đến Tripoli. Đây là những điểm thông thường dọc theo tuyến đường di trú và chúng tôi tin rằng các tổ chức có thể đến đó đặt một bàn giấy và một máy điện toán và nói chúng tôi bắt đầu đăng ký người, và xem ai có gia đình ở những nước ở Châu Âu – những người có thể hội đủ điều kiện xin thị thực nhân đạo, có thể được tái định cư trên cơ sở tạm thời với gia đình.”
Ông Millman thừa nhận việc mở ra một kênh như vậy có thể châm ngòi cho một vụ dân di trú chạy tán loạn. Nhưng trong bối cảnh chọn lựa giữa việc nhập cư hợp pháp tạm thời vào một quốc gia và một vụ tàn sát tập thể ngoài biển, ông nói việc chạy tán loạn có thể là chọn lựa tốt hơn.
Công cuộc đưa lậu người đang phát triển mạnh ở Libya bởi vì đây là một quốc gia thất bại vô luật pháp. Liên Hiệp Quốc đang điều giả các cuộc hòa đàm tại đất nước tan nát vì giao tranh trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận chi quyền giữa các bên lâm chiến có thể đem lại sự ổn định và ngăn chặn việc đưa lậu người ra nước ngoài.