Người dân Campuchia trông đợi một “cuộc chuyển tiếp êm ái” khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được phát động trong hai tháng nữa và hy vọng sẽ mở màn cho một đợt đầu tư thứ nhì, có khả năng chuyển biến đội ngũ lao động đông đảo thiếu kỹ năng của quốc gia này thành một trung tâm sản xuất.
Đợt đầu tư đầu tiên diễn ra sau khi Campuchia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2004 và giúp cho nền kinh tế vô vọng và hầu như không tồn tại của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vươn lên với công nghiệp may mặc và du lịch, và việc chi tiêu lớn lao về hạ tầng cơ sở tiếp theo đó.
Ông Sok Siphana, một cố vấn cấp cao của chính phủ, nói hai nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam sẽ tiếp tục là những nước sản xuất lớn về xe và hàng may mặc, nhưng Campuchia sẽ có cơ hội trỗi dậy như là một nhà sản xuất chính những bộ phận nhỏ hơn và các bộ phận thay thế như các dụng cụ về điện.
Ông Siphana nói đối với Campuchia thì thực tế là nền kinh tế đã mở rộng. Kể từ khi gia nhập WTO, Campuchia đã tự do hóa nền kinh tế, do đó AEC là một dấu hiệu đáng hoan nghênh của đợt đầu tư thứ hai vào Campuchia.
Các nhà đầu tư nước ngoài
Ông Sok Siphana nói thêm rằng sự kiện này sẽ dẫn đến việc đầu tư thêm vào các Đặc khu Kinh tế SEZ, với các nhà đầu tư được hưởng lợi từ một đạo luật đặc biệt của Campuchia cho phép những người này làm chủ 100% những công ty trong nước, so với việc người nước ngoài chỉ được làm chủ 70% các công ty tại các nơi khác trong AEC.
Ông Siphana nói “Trong khối AEC Campuchia sẽ là cửa ngõ không những đối với 15 triệu người nhưng cũng đối với 600 triệu người và về phương diện địa lý chúng tôi ở ngay tại tiểu vùng sông Mê-kông nằm giữa hai thị trường lớn là Việt Nam và Thái Lan. Và với chiếc cầu bắc qua sông Mê kông, chúng tôi là một phần của chuỗi cung cấp hàng hóa.”
Nâng cấp hạ tầng cơ sở
Campuchia và đặc biệt là những nhà tài trợ Trung Quốc và Nhật Bản đã chi tiêu những số tiền khổng lồ vào việc xậy dựng những con đường hai làn xe chạy, cầu cống, mở rộng bến cảng và mạng lưới đường sắt để tận dụng vị trí chiến lược của Campuchia trong khối mậu dịch 610 triệu người này.
Trục chính là chiếc cầu dài 2,2 kilômét tại Neak Loeung vừa mới hoàn tất cách đây 6 tháng. Dự án với kinh phí 130 triệu đô la bắc qua sông Mê Kông chấm dứt nhu cầu dùng phà trong khi thu ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Những rào cản mậu dịch
Ở mức quản lý rộng rãi hơn, AEC sẽ điều hòa các luật lệ và gỡ bỏ các rào cản về mậu dịch xuyên biên giới đối với 10 nước trong khối ASEAN từ tháng 1 năm 2016. ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn hàng thứ 7 trên thế giới với GDP là 2,4 ngàn tỉ.
Tám ngành nghề - gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, ngành thăm dò, kế toán và du lịch- sẽ đưa ASEAN vào khu vực mậu dịch tự do. Campuchia dự kiến có triển vọng về du lịch, nhưng đi sau trong những lĩnh vực khác, đặc biệt trong các lãnh vực đòi hỏi những kỹ năng được quốc tế công nhận.
Luật sư Mỹ Brett Sciaroni có văn phòng tại Campuchia nói chi tiêu thêm về giáo dục và huấn nghệ sẽ thu ngắn sự cách biệt này trong trung kỳ và trường kỳ, trong khi luật cần được tu chính để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và cải tiến những đặc khu kinh tế hiện có trong khối này.
Ông Sciaroni nói “Chúng tôi luôn luôn xem Campuchia như là một quốc gia trọng yếu trong vùng và giữa lúc những dự án hạ tầng cơ sở tiếp tục trên mạng lưới đường xá, đường xe lửa và các loại vận chuyển khác trở thành trọng tâm và thiết yếu hơn trong việc vận chuyển hàng hóa và dân chúng.”
Ông nói thêm “ Sự đa dạng hóa nền kinh tế của chúng tôi là cấp thiết và tôi nghĩ là chúng tôi cần đẩy mạnh lãnh vực may mặc hiện đang chi phối quá nhiều so việc chế tạo những loại hàng hóa nhẹ như đang xảy ra hiện nay, nhưng với luật mới về đầu tư và luật mới về đặc khu kinh tế tôi nghĩ mọi việc có thể tốt đẹp hơn.”
Các khối thương mại khu vực
Hai ông Sciaroni và Sok Siphana đều cho rằng mối lo ngại chính đối với nền kinh tế Campuchia trong dài hạn là những đối thủ trong khối mậu dịch vùng, đặc biệt là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với Hoa Kỳ, Việt Nam, Malaysia là thành viên nhưng không có mặt Campuchia, Thái Lan, Lào hay Trung Quốc.
Ông Sciaroni nói “Tôi nghĩ mối nguy hiểm thực sự đối với Campuchia trong những năm tới là những thỏa thuận thương mại đang xúc tiến như Hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương mà chúng ta không có mặt nhưng một số các nước láng giềng của chúng ta là thành viên. Do đó tôi nghĩ những nước như Việt Nam sẽ nhận được sức đẩy từ TPP và tôi nghĩ chúng ta cần cứu xét cẩn thận hơn về những thỏa thuận mậu dịch vùng như vậy.”
Những lợi ích khác theo dự kiến sẽ đạt được tiếp sau việc phát động AEC. Ông Ou Virak, một nhà phân tích chính trị độc lập nói với những hạn chế về biên giới ít hơn, với việc người dân được đi lại tự do hơn và cải thiện các cơ hội làm việc, sẽ làm giảm bớt nhu cầu buôn người hay chuyển lậu người, và khiến cho những người này không còn hoạt động được nữa.