Campuchia rút khỏi Tam giác phát triển với Việt Nam và Lào khi bị dân phản đối

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (trái) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 11/12/2023 trong chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng Hun Manet cho biết ông sẽ rút Campuchia ra khỏi một thỏa thuận phát triển với các nước láng giềng Việt Nam và Lào sau khi bị người dân phản đối vì họ cho rằng thỏa thuận này có lợi cho các lợi ích nước ngoài.

Những người chỉ trích trên mạng xã hội tập trung vào các nhượng bộ đất đai ở các khu vực biên giới, đặc biệt là với Việt Nam, một vấn đề cực kỳ nhạy cảm vì mối quan hệ thù địch lâu đời của Campuchia với nước láng giềng lớn hơn ở phía đông.

Chính quyền đã bắt giữ ít nhất 66 người trước cuộc biểu tình dự kiến vào tháng 8 nhằm lên án sáng kiến khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam – còn được gọi là CLV-DTA. Hầu hết những người này sau đó đã được thả nhưng những nhà lãnh đạo Camphuchia đang phải đối mặt với các cáo buộc.

Thỏa thuận được chính thức hóa vào năm 2004 này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác về thương mại và di cư ở bốn tỉnh đông bắc Campuchia và các khu vực biên giới ở Lào và Việt Nam.

Ông Hun Manet gọi các nhóm phản đối thỏa thuận là những kẻ cực đoan và cho biết họ đang lợi dụng vấn đề này để vu khống, tấn công chính phủ và gây hoang mang trong công chúng.

“Ví dụ, cáo buộc rằng chính phủ nhượng lại lãnh thổ của bốn tỉnh Đông Bắc cho nước ngoài, v.v.”, ông viết trong một bài đăng vào cuối ngày 20/9.

Ông Hun Manet nói rằng trong 25 năm qua, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu phát triển tại 4 tỉnh này nhưng chính phủ của ông đã quyết định rút khỏi thỏa thuận, “khi tính đến mối quan tâm của người dân về lãnh thổ và sự cần thiết phải rút vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan để ngăn họ sử dụng CLV-DTA nhằm lừa đảo người dân thêm nữa.”

Chính phủ Campuchia từ lâu đã bị cáo buộc là bịt miệng những người chỉ trích và đối thủ chính trị. Ông Hun Manet đã kế nhiệm cha mình vào năm ngoái sau khi ông Hun Sen cai trị trong bốn thập kỷ, nhưng có rất ít dấu hiệu tự do hóa chính trị tại Campuchia.