Một trại tỵ nạn của người Thượng ở Campuchia do Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã chính thức bị đóng cửa hôm thứ Ba, và kể từ nay văn phòng tỵ nạn của chính phủ Campuchia sẽ là cơ quan quyết định việc định cư của những người Thượng xin tỵ nạn trong tương lai.
Hôm 29/11 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi thư tới Cao Ủy Liên Hiệp quốc về người tỵ nạn, tức UNHCR, để loan báo về việc đóng cửa trại tỵ nạn này vào cuối năm 2010, tuy nhiên sau đó thời hạn này đã được dời sang ngày 15/2/2011 theo đề nghị của UNHCR.
Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Hor Nam Hong thì Việt Nam đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tại nước này, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, do đó không nên còn người tỵ nạn nữa.
Trung tâm ở PhnomPenh ban đầu có khoảng 76 người Thượng tạm trú và vào lúc có loan báo về việc đóng cửa trại thì có 62 người được đăng ký là người tỵ nạn.
Hãng thông tấn Pháp trích lời bà Kitty McKinsey, người phát ngôn của UNHCR, nói rằng họ đã sắp xếp được nơi ở mới cho nhóm người tỵ nạn này, mặc dù 10 người Thượng đã không hội đủ tiêu chuẩn để tỵ nạn nên sẽ được bố trí để quay về Việt Nam.
Cũng theo UNHCR thì 50 người đã được tái định cư ở Canada và Hoa Kỳ đang nhận 4 người thông qua các chương trình tái định cư và di trú.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng những người Thượng xin tỵ nạn này bị tịch thu đất đai và đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Tổ chức Human Rights Watch đã bày tỏ quan ngại về việc Campuchia đóng cửa trại tỵ nạn này và nói rằng Campuchia nên bố trí nơi tỵ nạn an toàn cho những người Thượng sau khi họ bỏ chạy khỏi khu vực Tây Nguyên Việt Nam, thậm chí cả sau khi trại tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc bị đóng cửa ở Phnom Penh.
Human Rights Watch nói rằng với tư cách là một thành viên của Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn, Campuchia có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền của tất cả những người xin tỵ nạn trong lãnh thổ của họ.
Phó giám đốc Human Rights Watch Phil Robertson nói rằng “người Thượng sẽ tiếp tục bỏ chạy khỏi Việt Nam chừng nào mà chính quyền vẫn còn vi phạm các quyền cơ bản của họ và vì vậy điều vô cùng cấp bách là chính phủ Campuchia thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình và không buộc những người tỵ nạn phải trở lại nơi mà cuộc sống và sự tự do của họ bị đe dọa".
Theo hãng thông tấn Pháp, việc đóng cửa trại tỵ nạn này cho thấy thỏa thuận hồi năm 2005 giữa Việt Nam, Campuchia và UNHCR đã chấm dứt. Theo thỏa thuận này người Thượng có thể được lựa chọn để định cư ở nước thứ ba hay trở lại Việt Nam. Campuchia đã từ chối không cho phép họ được ở lại nước này.
Nhóm tỵ nạn hiện nay là đợt tỵ nạn cuối cùng trong nhóm 1.812 người sắc tộc thiểu số đã được Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc bảo trợ từ năm 2006. Trong số này, 999 người đã được định cư, phần lớn tại Hoa Kỳ, và 751 người đã bị gửi trả về Việt Nam.
Nguồn: AFP, PhnomPenh Post, Human Rights Watch