Giữa lúc nhiều nước tham dự hội nghị, trong đó có Việt Nam, đang chuẩn bị tham gia cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, bang California, sẽ khởi sự hôm nay và kéo dài tới ngày mai, giới hoạt động và truyền thông quốc tế nói rằng Tổng Thống Obama phải nắm lấy cơ hội này để xác định rõ rằng việc thực thi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP không thể nào thành công nếu không có những cải thiện nhân quyền nghiêm túc trong khu vực.
Hôm 10/2, 35 Dân biểu Mỹ đã ký tên trong một bức thư gửi cho Tổng Thống Barack Obama, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền thành một vấn đề chính trong nghị trình cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.
Một bài báo đăng trên tờ The Huffington Post hôm 12/2 mang tựa đề “Không giao thương nếu không có tự do thông tin” nói rằng giữa lúc các vị nguyên thủ các nước ASEAN chuẩn bị tham gia hội nghị thượng đỉnh – trong đó có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thành tích của chính phủ Việt Nam về quyền tự do thông tin được đánh giá là tệ hại.
Bài báo này cho rằng Hà Nội là một trong những nước tống giam nhiều blogger và ký giả nhất trên thế giới, với ít nhất 15 blogger đang ở trong tù.
Theo Tổ chức Ký giả Không Biên giới, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trong tất cả 180 nước về chỉ số tự do báo chí, và như vậy, Việt Nam chỉ đứng trước Trung Quốc có 1 điểm, và trước Syria có 2 điểm.
Những trường hợp tuỳ tiện bắt giữ được đơn cử có trường hợp của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt hôm 16/12 năm ngoái, về tội gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”. 10 ngày trước đó, ông bị hành hung bởi công an mặc thường phục sau khi ông tham gia một buổi hội thảo về nhân quyền và về Hiến Pháp Việt Nam.
Bài báo ký tên tác giả Christophe Deloire và Duy Hoàng, tức Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của Đảng Việt Tân, nói rằng trong khi Trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Mỹ Tom Malinowski hoan nghênh việc Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm từ khi các cuộc thương thuyết TPP khởi sự cách đây 2 năm, thì các trường hợp hành hung bạo động dưới tay chính quyền và những nhóm ‘côn đồ do chính quyền mướn’ đã leo thang nghiêm trọng.
Bài báo đặt câu hỏi: Người Mỹ có thể làm gì về vấn đề này? Các tác giả nhắc lại rằng trong một cuộc phỏng vấn với tờ NYT hồi năm ngoái, ông Malinowski tuyên bố “Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là cơ hội tốt nhất mà người Mỹ có được tính từ nhiều năm nay, để khuyến khích Việt Nam thực hiện những cải cách sâu rộng vấn đề nhân quyền khả dĩ có thể thăng tiến các quyền con người.
Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FDIH) hôm qua (14/2) cũng lên tiếng yêu cầu Tổng Thống Obama đòi các nước Đông Nam Á phải cải thiện nhân quyền tại cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN. Liên minh này và nhiều tổ chức thành viên trong liên minh nói “Chính sách đối ngoại Mỹ chuyển trục sang khu vực Á Châu-Thái Bình Dương sẽ thất bại, nếu nó không đặt các cải cách dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền trong khu vực như một thành tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại”.
Trước đây, Thứ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đã từng tuyên bố Việt Nam kiên cường theo đuổi chính sách nhằm bảo đảm việc thực thi các quyền căn bản và quyền tự do của mỗi công dân.
Trong một bài viết nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế trước đây, ông Hà Kim Ngọc nói dưới chính sách vừa kể, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với quốc tế về vấn đề nhân quyền và thực thi các nghĩa vụ của mình về nhân quyền một cách nghiêm túc và cởi mở.
Theo ông Hà Kim Ngọc, Việt Nam đang tham gia các cuộc đối thoại về nhân quyền chính thức với 5 đối tác, trong đó có Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu, Thuỵ sĩ, Na Uy, và Australia, chưa kể các cuộc đối thoại qua các kênh không chính thức.
Nhà ngoại giao của Việt Nam cho rằng Hà Nội đang ngày càng hoạt động tích cực hơn trên các diễn đàn đa phương về vấn đề nhân quyền, trong cương vị là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Theo ông, Việt Nam đang có những đóng góp lớn lao trong việc xây dựng các giá trị nhân quyền nói chung trên quy mô khu vực và toàn cầu, phù hợp với định hướng quan hệ đối ngoại của mình là trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong tiến trình đặt ra các quy định và chuẩn mực chung.
Ông cho rằng nhiều quốc gia đang phát triển đang muốn học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam, và nhiều nước khác đã tham khảo ý kiến của Hà Nội trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền nhạy cảm và phức tạp.
Theo Huffingtonpost.com, Malaysiakini.com, Danlambao.
Your browser doesn’t support HTML5