Cái loa

Cái loa

Đọc phần “Ý Kiến” cho bài blog mới nhất của tôi mang tựa đề “Khẩu Hiệu” tôi thấy có một bạn đọc lấy tên là “Try Harder” từ Áo và bạn đọc “Dân Cà Mau” từ Việt Nam nhắc đến những cái loa phường sáng nào cũng được hò hét ra rả từ Bắc đến Nam để dạy dỗ dân chúng sống sao cho xứng đáng là con dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đúng nghĩa.

Nó làm cho tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi về lại Việt Nam để sống và làm việc ở Hà Nội vào giữa thập niên 90. Lúc ấy Hà Nội không giàu có và đường sá không kẹt kín xe hơi như bây giờ. Bước xuống máy bay tại sân bay Nội Bài tôi vẫn còn nhớ là mọi hành khách đều được cho vào một chiếc xe bus cũ như không thể nào cũ hơn được nữa để đến nơi làm thủ tục hải quan. Không những ghế cái thì thủng đáy, cái lại chỉ còn sườn không mà ngay cả tấm sắt to nằm ở phía sau xe để che khuất máy và quạt cũng đã biến mất tự bao giờ. Báo hại mới nhìn vào ai cũng trố mắt ngạc nhiên chẳng biết xe có còn chạy được nữa không!

Và đấy cũng là những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người ngoại quốc vừa đến Việt Nam lúc đó.

Nhưng đối với tôi, điều làm cho tôi nhớ nhất trong khoảng thời gian ấy không phải là một sân bay quốc gia Nội Bài quá cũ kỷ. Hay một thành phố vẫn còn nhiều người dắt con đến từng nhà để xin ăn. Mà là những cái loa sáng nào cũng phát thanh oang oang từ đầu làng đến cuối xóm bất kể người dân có thích hay không. Hay có hiệu nghiệm gì không trong công việc dạy dỗ con dân theo cách nhồi sọ của Xã Hội Chủ Nghĩa.

Đặc biệt là cái loa được treo sát cạnh nhà tôi nằm gần góc đường Bà Triệu và Đại Cồ Việt trong quận Hai Bà Trưng không xa trung tâm thành phố là bao. Hôm thì loa thông báo về lể kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân. Sang sáng hôm sau thì loa lại nhắc nhở mọi người dân cần phải đi…hốt rác.

Nhưng đáng nhớ nhất là lời thông báo dưới đây mà mãi cho đến bây giờ gần 15 năm sau tôi vẫn còn nhớ như in, từng lời, từng chữ và đặc biệt là giọng đọc đặc sệt của người miền Bắc sau này làm cho tôi không thể nào quên được. Vì nó đã được đọc đi, đọc lại ra rả mỗi sáng trong mấy tháng liền làm cho tôi và chắc chắn là rất nhiều người dân trong quận không thể nào ngủ được. Mặc dù lúc ấy trời chỉ vừa tờ mờ sáng.

Thông cáo được đọc như sau (và xin nhớ là phải đọc với giọng nữ miền Bắc chuẩn sau 1975 nhé):

Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo
Hôm nay ngày mồng chín tháng ba
Nhân dân quận Hai Bà Trưng chúng ta
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư
Xin quyết tâm như thế
Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo


….

Thật đấy bạn ạ. Tôi xin thề tôi đã không thêm bớt một chữ nào vào bản thông cáo ấy. Và “quyết tâm” hay “không đẻ” đều là những từ nguyên thủy được dùng để thông báo cho mọi người cùng rõ. Sang hôm sau chỉ có số ngày là được thay đổi. Còn nội dung thì vẫn được giữ y như thế. Không những vậy vài tháng sau có lẽ vì sợ người dân chưa hiểu thấu, các đồng chí lại cho dựng ngay một khẩu hiệu to đùng nằm ngay giữa đường Đại Cồ Việt cũng với nội dung tương tự:

Nhân dân quận Hai Bà Trưng
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư


May là lúc ấy tôi cũng vừa ở độ tuổi hai mươi lăm, lại chưa vợ nên đã chăm chỉ nghe lời chỉ dạy quyết tâm không đẻ! Chứ nếu không (nhất là đối với những ai có vợ đang nằm phơi phới bên cạnh) sáng sớm tinh sương đang ngủ say lại bị loa phóng thanh dựng dậy để nhắn nhủ đôi lời, không chừng bực bội lại không có chuyện gì làm khi trời hãy còn quá sớm thôi thì đành quay qua… làm một cái cho bỏ ghét!

Ý tôi nói phản tác dụng là vì thế.

Cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn thắc mắc không biết hàng xóm tôi ở quận Hai Bà Trưng lúc ấy có ai đã từng quyết tâm… làm một cái cho bỏ ghét cái loa không đẻ sớm hay không?