Các loại gien kháng thuốc đó có thể tìm đường đi vào cơ thể con người qua thịt của các con vật được nuôi bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, các nông gia thường dùng phân gia súc để bón các loại hoa mầu, và mưa có thể làm trôi các loài vi khuẩn kháng thuốc trong phân bón từ ruộng đồng xuống sông ngòi.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh không có kiểm soát tại các trại nuôi heo ở Trung Quốc đang làm gia tăng nguy cơ kháng nhiều loại thuốc trong những vụ lây nhiễm nơi người.
Trong khi nhu cầu về thịt gia tăng tại Trung Quốc và khắp thế giới, các trại chăn nuôi đại quy mô đã thay thế cho các đàn gia súc nhỏ nuôi trong sân nhà.
Các hoạt động cỡ lớn này thường sử dụng thuốc kháng sinh để phòng ngừa bệnh và giúp đàn gia súc chóng lớn hơn.
ông James Tiedje, một nhà vi sinh học tại trường Ðại học tiểu bang Michigan nhận định:
“Kèm theo đó là một nguy cơ ngày càng tăng.”
Ông nói một số vi khuẩn đã phát triển tính đề kháng các loại thuốc và chia sẻ các gien kháng thuốc này với các vi sinh vật khác, và sự kiện đó làm gia tăng nguy cơ các loại vi khuẩn gây bệnh nơi người cũng mang tính đề kháng.
Các loại gien kháng thuốc đó có thể tìm đường đi vào cơ thể con người qua thịt của các con vật được nuôi bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, các nông gia thường dùng phân gia súc và dùng để bón các loại hoa mầu. Ông Tiedje nói mưa có thể làm trôi các loài vi khuẩn kháng thuốc trong phân bón từ ruộng đồng xuống sông ngòi. Ông giải thích tiếp:
“Do đó nếu các trại chăn nuôi ở thượng nguồn sông từ một thành phố lớn và nguồn nước, thì có thể đi vào nguồn cấp nước. Những loại vi khuẩn kháng thuốc này cũng có thể len lỏi vào đất và đi vào mạch nước ngầm, cũng là một nguồn nước uống.”
Ðể nghiên cứu các rủi ro, ông Tiedje nói chính phủ Trung Quốc đã mời ông hợp tác với các nhà nghiên cứu của họ để khảo sát ba trại nuôi heo lớn ở các nơi khác nhau trong nước. Ông Tiedje phát biểu qua Skype:
“Tôi nghĩ các vấn đề quan trọng đáng chú ý mà chúng tôi phát hiện là con số rất lớn các gien kháng thuốc và mức độ chúng được nhân lên.”
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện gần 150 loại gien kháng thuốc khác nhau, một số có nhiều gấp hàng trăm hay hàng ngàn lần trong đất được bón bằng phân chuồng từ các trại chăn nuối, so với đất không được bón phân.
Cuộc khảo cứu cũng phát hiện cơ chế gien được dùng để di chuyển gien từ một vi khuẩn này qua một vi khuẩn khác cao hơn nhiều. Và ông Tiedje nói họ đã nhận thấy tính đề kháng với cả các loại thuốc kháng sinh không được sử dụng trong các trại nuôi heo. Ông nói:
“Nói cách khác, các loại thuốc kháng sinh sử dụng không tạo ra sự đề kháng lại chính loại thuốc đó mà còn mang theo sự đề kháng với các loại thuốc kháng sinh khác. Ðây là một vấn đề đặc biệt bởi vì sau đó nó sẽ dẫn đến các cơ chế đề kháng nhiều loại thuốc.”
Các mối quan ngại về tính đề kháng thuốc đã khiến Liên hiệp châu Âu cấm sử dụng thuốc kháng sinh để làm gia súc mau lớn. Và đã có những lời kêu gọi những luật lệ nghiêm khắc hơn tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc hiện không theo dõi việc sử dụng thuốc kháng sinh cho gia súc. Nhưng ông Tiedje nói sự quan tâm của chính phủ trong việc tiến hành cuộc khảo cứu cho thấy họ có lo ngại về vấn đề này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói chưa rõ việc giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh cho súc vật sẽ tác động ra sao đến việc bảo vệ sức khỏe công cộng.
“Nó sẽ không đem lại tác động có lợi. Nhưng không phải là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề như thế.”
Ðó là ý kiến của ông Sid Thakur thuộc trường Ðại học tiểu bang North Carolina. Ông là người nghiên cứu về các loại vi khuẩn có sức đề kháng đối với thuốc kháng sinh trong các động vật dùng làm thực phẩm. Ông nói sức đề kháng đối với một số thuốc giảm đi khi chúng bị cấm sử dụng nơi súc vật, nhưng sự kiện đó không phải diễn ra trong mọi trường hợp.
Ngoài hiện tượng đề kháng thuốc kháng sinh nơi trang trại, một phần hiện tượng này xảy diễn một cách tự nhiên. Cho dù nguồn gốc ở đâu, một khi các gien đã xuất hiện trong môi trường thì ông Thakur cho rằng rất khó mà loại trừ chúng. Ông đã nghiên cứu sức đề kháng của vi khuẩn Campylobacter nơi các con heo không sử dụng thuốc kháng sinh. Ông giải thích:
“Các con heo chưa hề tiếp xúc với thuốc kháng sinh đang toát ra vi khuẩn Campylobacter kháng thuốc. Nó bắt nguồn từ đâu. Có một sự trao đổi qua lại giữa môi trường và con vật.”
Tác giả cuộc khảo cứu James Tiedje nói hạn chế sự trao đổi qua lại đó qua những phương sách tốt hơn trong việc xử lý phân bón là một lãnh vực mà các đồng sự của ông đang nghiên cứu.
Cuộc khảo cứu của ông Tiedje về sức đề kháng thuốc và việc sử dụng thuốc kháng sinh cho gia súc ở Trung Quốc được đăng trên Báo cáo của Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ.