Các quan sát viên quốc tế ở miền đông Ukraine đã quay trở lại địa điểm chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi, sau khi các phần tử đòi ly khai thân Nga một lần nữa không cho họ vào khu vực này.
Các giới chức Châu Âu cho hay sau khi thương thảo với các phiến quân tại nơi này, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã trở lại căn cứ của họ ở Donetsk.
Lo ngại về an ninh đã khiến các quan sát viên quốc tế phải tránh xa địa điểm này. Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, ông Andriy Lysenko, hôm nay nói rằng phiến quân gài mìn trong khu vực quanh địa điểm chiếc máy bay rơi.
Gia đình của các nạn nhân trên chiếc máy bay rơi hôm 17 tháng 7 khiến 298 người thiệt mạng nôn nóng muốn các nhà điều tra trở lại hiện trường. Nhiều thi thể được cho là vẫn còn lại ở hiện trường, sau khi khoảng 200 bộ thi thể đã được chuyển sang Hà Lan để nhận dạng hồi tuần trước.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga hứa sẽ hỗ trợ cho các định chế tài chánh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu.
Ngân hàng Trung ương hôm thứ Tư hứa sẽ có những “biện pháp thích ứng” để hỗ trợ cho các định chế tài chánh bị ảnh hưởng bởi các lệnh chế tài nhắm trừng phạt Nga vì đã hậu thẫn cho các phần tử nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Thị trường Chứng khoán Moscow sụt giá vào giờ mở cửa hôm thứ Tư, khi các lệnh chế tài nhắm vào ngành ngân hàng, dầu khí và quốc phòng của Nga bắt đầu có hiệu lực.
Hiện chưa rõ liệu các biện pháp trừng phạt mới nghiêm khắc hơn này có tác động gì đến những hành động của Nga ở Ukraine hay không, và cũng không rõ những biện pháp trừng phạt nào nữa mà Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ áp dụng nếu Nga không thay đổi.
Khi loan báo các lệnh chế tài mới của Hoa Kỳ áp dụng đối với các ngành năng lượng, tài chánh và quốc phòng của Nga, Tổng thống Barack Obama liên kết các lệnh trừng phạt đó với việc chiếc máy bay của Malaysia bị bắn rơi hôm 17 tháng 7, khiến 298 người thiệt mạng.
Các nhà phân tích Hoa Kỳ nói rằng chiếc máy bay rơi ở miền đông Ukraine, do bị bắn hạ bởi một phi đạn của Nga hình như là do các phiến quân bắn vì họ nghi đó là một máy bay của Ukraine.
Trong khi đó, tại Brussels, đại sứ của 28 nước thành viên Liên hiệp châu Âu đồng ý với nhau các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí, và một lệnh cấm buôn bán thiết bị với ngành dầu hỏa và quốc phòng của Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các lệnh trừng phạt của Liên hiệp Châu Âu đối với Nga là “không thể tránh được.”
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng không có “một tí bằng chứng” nào cho thấy Nga tìm cách chấm dứt bạo động và đổ máu ở miền đông Ukraine.