Các hình ảnh do Hoa Kỳ chụp bằng vệ tinh được chính quyền Obama công bố hôm qua cho thấy các rocket và trọng pháo được bắn đi từ lãnh thổ Nga vào miền đông Ukraine. Washington cũng cáo buộc Moscow là cung cấp vũ khí hạng nặng cho các phần tử đòi ly khai thân Nga và tiếp tục tập trung quân dọc theo biên giới. Thông tín viên VOA Victor Beattie tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Các hình ảnh của văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy những dấu vết nổ nơi các hỏa tiễn được phóng đi và những hố sâu do chúng gây ra. Một hình ảnh cho thấy một vị trí quân sự của Ukraine hôm 20 tháng 7 và cùng một khu vực đó 3 ngày sau với nhiều hố sâu do trọng pháo gây ra.
Các hình ảnh nằm trong một thông tư nội bộ dài 4 trang do chính quyền Obama công bố. Thông tư này cũng nói rằng các phần tử đòi ly khai thân Nga đã dùng đạn đại bác do Nga cung cấp trong các vụ tấn công vào lực lượng Ukraine từ bên trong Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf nói với các phóng viên hôm thứ sáu rằng phía Ukraine có quyền được bảo vệ lãnh thổ và công dân của mình:
“Nga phải xuống thang, rút lui, và ngưng hỗ trợ cho các phần tử đòi ly khai, đang bắn hạ máy bay của Urkaine và tấn công thường dân vô tội.”
Một ký giả đề nghị bà Harf lập lại và nói rõ chi tiết về việc đại sứ Hoa Kỳ ở NATO tuyên bố có 15 ngàn binh sĩ tập trung ở biên giới. Bà Harf đáp:
“Phải, chúng tôi đã nhìn thấy binh sĩ tập trung ở biên giới, như đã thấy trước đây. Tôi không có lý do để không đồng ý với các con số đó.”
Đáp lại thắc mắc của ký giả nói rằng phía Ukraine cũng bắn trọng pháo qua Nga, bà Harf giải thích:
“Phải, rõ ràng là chúng tôi coi những báo cáo về hỏa lực Ukraine bắn qua Nga là rất nghiêm trọng. Chúng tôi không thấy dấu hiệu Ukraine bắn trả qua Nga. Vì thế, chúng tôi không thể xác nhận các báo cáo đó vào lúc này. Một lần nữa, con số binh sĩ Nga dọc theo biên giới tiếp tục tăng đều. Chúng tôi đã thấy sự kiện đó trong mấy ngày vừa qua, nhưng không thấy có dấu hiệu phía Ukraine bắn trả.”
Hôm thứ năm, bà Harf nói phía Nga dự định giao thêm nhiều giàn phóng rocket hạng nặng và mạnh hơn cho lực lượng đòi ly khai.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga là Thiếu tướng Igor Konashenkov được thông tấn xã Itar-Tass trích thuật nói rằng Hoa Kỳ có được dữ liệu tình báo từ mạng truyền thông xã hội và gợi ý nên dựa vào thông tin “đáng tin cậy” hơn. Ông này cũng bác bỏ các phát biểu rằng quân số Nga đã gia tăng dọc theo biên giới Ukraine.
Hôm chủ nhật, nói chuyện qua điện thoại với người đồng nhiệm phía Nga là ông Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi tức khắc đình chỉ hỏa lực nặng xuyên qua biên giới. Ông Kerry cũng từ chối không chấp nhận những lời phủ nhận của Nga cho rằng vũ khí hạng nặng của họ đang tấn công các mục tiêu Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cho hay hai nhà ngoại giao đã đồng ý về sự cần thiết của một cuộc ngưng bắn tức thời.
Thông tin mới nhất của Hoa Kỳ được công bố vào lúc lực lượng Ukraine chống chọi với các phần tử đòi ly khai gần địa điểm rớt chiếc máy bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17 tháng 7, làm tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Các chuyên gia phân tích Hoa Kỳ nói rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ vì một phi đạn do Nga chế tạo có phần chắc do các phần tử đòi ly khai thiếu huấn luyện bắn đi.
Xuất hiện trong chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS của Hoa Kỳ hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Ukraine, ông Pavlo Klimkin, kêu gọi Washington cung cấp một chương trình viện trợ.
“Ukraine đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính vì các diễn biến liên tục ở miền đông Ukraine. Vì thế, chúng tôi cần có viện trợ của Hoa Kỳ để cải cách kinh tế có hiệu quả, để cải cách trong lãnh vực pháp trị. Nhưng, chúng tôi cũng cần thêm viện trợ cho hiện trường lực lượng của chúng tôi nữa. Do đó, điều chúng tôi cần là một hình thức chương trình viện trợ để giúp Ukraine đạt được thành quả, biến Ukraine thành một đất nước thống nhất và dân chủ thuộc về châu Âu.”
Chuyên gia về Ukraine John Besemeres của trường Ðại học Quốc gia Australia nói, kể từ sau cuộc bầu cử tại Ukraine hồi tháng 5, và việc thiết lập một chính phủ mới do Tổng thống Petro Poroshenko đứng đầu, động cơ cuộc xung đột đã chuyển về phía Kyiv.
“Sau một khởi đầu rất xấu, lực lượng Ukraine đã tập hợp lại và đã có thành tích khá tốt, và làn sóng đã chuyển về hướng của họ. Phía Nga đã thất bại và không chắc chắn phải làm gì với đám tay sai vụng về bên kia biên giới và họ đã quyết định tăng cường tiếp tế quân sự cho các phần tử ly khai đó. Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có đủ không, và câu hỏi nữa là phải chăng đây sẽ là một chiến dịch rất tế nhị trong bối cảnh hậu quả tức thời của vụ bắn hạ chiếc máy bay MH-17.”
Ông Besemeres nói các phần tử đòi ly khai ở miền đông Ukraine đang ở thế thủ và thách thức đối với Kyiv là đánh những cú nặng vào họ, trong khi tìm cách giảm thiểu tối đa thương vong về phía thường dân.
Trong khi đó, báo New York Times tường thuật rằng các cơ quan quốc phòng và tình báo của Hoa Kỳ đã khai triển các kế hoạch giúp Chính quyền Obama cung cấp các vị trí cụ thể cho những phi đạn địa đối không do phe ly khai kiểm soát để Ukraine có thể nhắm mục tiêu phá hủy chúng. Nhưng, trích lới một giới chức cấp cao của chính phủ, báo này nói đề nghị này chưa được thảo luận trong nội bộ Tòa Bạch Ốc.
Trích thuật nhiều giới chức, báo Times nói trung tâm cuộc tranh luận là liệu mục tiêu của Hoa Kỳ có phải là củng cố chính phủ ở Kyiv hay là gửi một thông điệp nghiêm khắc cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các phi đạn đó đã bắn hạ ít nhất 5 máy bay trong vòng 10 ngày qua, kể cả chuyến bay MH-17.