Lính cứu hỏa ở Nam California hôm 13/1 phải chiến đấu để kiểm soát nhiều vụ cháy rừng lớn ở khu vực Los Angeles trong khi các nhà dự báo cảnh báo về những cơn gió mạnh vốn có thể gây ra "sự gia tăng bùng nổ các đám cháy".
Cơ quan Thời tiết Quốc Hoa Kỳ gia cảnh báo rằng mối đe dọa mới từ gió, với mối lo ngại lớn nhất dự báo xảy ra vào ngày 14/1, dự kiến sẽ mang theo những cơn gió mạnh liên tục 80 km/giờ và gió giật lên tới khoảng 110 km/giờ.
Gió mạnh và điều kiện khô hạn ở một khu vực không có lượng mưa đáng kể trong hơn tám tháng đã góp phần làm bùng phát các đám cháy, vốn đã giết chết ít nhất 24 người và gây thiệt hại hàng tỷ đô la kể từ khi chúng bắt đầu bùng ra cách đây một tuần.
Một sự tạm ngưng của các cơn gió trong những ngày gần đây đã cho phép lính cứu hỏa, với sự hỗ trợ của việc phun nước và chất chống cháy từ trên không, đạt được một số tiến triển trong việc kiểm soát các đám cháy.
Cal Fire cho biết vào cuối ngày 12/1 rằng trong số ba đám cháy lớn vẫn đang bùng phát ở khu vực Los Angeles, Đám cháy Palisades đã được kiểm soát 13% và nó đã thiêu rụi 96 km vuông.
Theo các quan chức cho biết, tám trong số những ca tử vong được cho là do Đám cháy Palisades ở khu vực Pacific Palisades gây ra.
Đám cháy Eaton, nằm sâu hơn trong đất liền ở Bắc Pasadena và Altadena, đã làm 16 người thiệt mạng. Đám cháy này đã được khống chế 27% và đã thiêu rụi gần 60 km vuông.
Cal Fire cho biết một đám cháy khác, Đám cháy Hurst ở khu vực Sylmar, đã được khống chế 89% sau khi thiêu rụi hơn 3 km vuông.
Các đám cháy này đã phá hủy hơn 12.000 công trình.
Vào cuối ngày 12/1, khoảng 100.000 người vẫn phải tuân theo lệnh sơ tán. Các quan chức cho biết mọi người sẽ không được phép quay lại các khu vực có nguy cơ cháy trong khi các cảnh báo mới về gió vẫn có hiệu lực.
Một số trường học, vốn đã hủy các lớp được lên lịch vào tuần trước, đã mở cửa trở lại vào ngày 13/1. Hai đội bóng Los Angeles Lakers và Los Angeles Clippers của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia cũng đã lên kế hoạch tổ chức lại các trận đấu trên sân nhà vào ngày 13/1 sau khi hủy các trận đấu do vụ cháy rừng.
Các quan chức địa phương bày tỏ lo ngại rằng khi đám cháy lan rộng, chúng có thể gây nguy hiểm cho nhiều khu vực đông dân hơn và đe dọa một số địa danh quan trọng của thành phố, bao gồm Bảo tàng J. Paul Getty, nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và Đại học California phân viện Los Angeles, một trong những trường đại học công lập hàng đầu của Hoa Kỳ.
Thống đốc California Gavin Newsom nói với chương trình "Meet the Press" của NBC hôm 12/1 rằng các vụ cháy rừng có thể là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, "xét về chi phí liên quan đến nó, xét về quy mô và phạm vi" của nó.
Theo ước tính sơ bộ của AccuWeather, thiệt hại và tổn thất kinh tế cho đến nay là từ 135 tỷ đến 150 tỷ USD. Thiệt hại cao như vậy một phần là do phần lớn nhà ở bị thiêu rụi nằm trong số những ngôi nhà có giá trị cao nhất ở Mỹ.
Thống đốc Newsom đã kêu gọi một cuộc đánh giá độc lập về cách các đám cháy hoành hành, trong khi lính cứu hỏa có lúc phải đối mặt với tình trạng thiếu nước để dập tắt đám cháy khi chúng nhanh chóng lan rộng ngoài tầm kiểm soát.
Vị thống đốc cho biết ông đang đặt ra những câu hỏi tương tự "mà những người trên đường phố đang phải la lên rằng 'Chuyện quái gì đã xảy ra vậy? Đã xảy ra chuyện gì với hệ thống nước?’.”
Ông Newsom nói rằng ông muốn biết liệu nguồn cung cấp nước chỉ đơn giản là quá tải, "Hay sức gió 99 dặm một giờ là điều quyết định và thực sự không có cuộc chữa cháy nào có thể có ý nghĩa hơn?"
Các đội cứu hỏa từ California và chín tiểu bang khác đang tham gia nỗ lực ứng cứu hiện tại, bao gồm 1.354 xe cứu hỏa, 84 máy bay và hơn 14.000 nhân viên, trong đó đó cả lính cứu hỏa mới đến từ Mexico.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 12/1 cho biết rằng ông đã yêu cầu các quan chức chuẩn bị cho khả năng cử 150 lính cứu hỏa Ukraine đến hỗ trợ nỗ lực ứng cứu ở California.
"Tình hình ở đó cực kỳ khó khăn và người Ukraine có thể giúp người Mỹ cứu sống người", ông Zelenskyy nói.
(Một số thông tin trong bản tin do AP, AFP và Reuters cung cấp)